ICRC cảnh báo khủng hoảng nhân đạo tại đông bắc Syria
Một trại tị nạn ở Syria. Ảnh: Anadolu
Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) ngày 21/5 lên tiếng cảnh báo, một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ có thể xảy ra tại khu vực đông bắc Syria do tình trạng thiếu lương thực và nước sinh hoạt, trong khi hệ thống y tế đang kiệt quệ do phải đương đầu với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ICRC, khu vực đông bắc Syria vốn là nơi tập trung của nhiều trại tị nạn, với hàng chục nghìn người mất nhà cửa và phải đi lánh nạn do cuộc nội chiến kéo dài suốt 9 năm qua. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 bùng phát càng làm gia tăng nỗi thống khổ của người dân tại khu vực này.
Người đứng đầu chi nhánh ICRC tại TP Hasakeh ở khu vực đông bắc Syria, ông Karim Mahmoud nhấn mạnh: "Đối với hàng triệu người, chiến tranh kéo dài đã gây tình trạng thiếu nước, lương thực và thuốc men. Hiện tình trạng thiếu điện, suy thoái kinh tế cùng với tỷ lệ thất nghiệp và giá tiêu dùng tăng cao càng làm dấy lên lo ngại về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19".
Theo Giám đốc khu vực của ICRC, Fabrizio Carboni, trong bối cảnh thế giới đang tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh, nguy cơ các cuộc khủng hoảng tại khu vực này sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Hôm 19/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình nhân đạo tại Syria. Trong đó, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo của Syria đang đứng trước thách thức to lớn với nguy cơ bùng phát của đại dịch COVID-19.
Dù chỉ mới ghi nhận 64 ca mắc COVID-19 trên khắp cả nước, nhưng điều kiện phòng chống dịch của Syria còn nhiều hạn chế.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc, hiện có hơn 11 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở Syria.
Đi kèm với các biện pháp kiểm soát dịch như hạn chế đi lại hay đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, người dân Syria đang phải chịu hậu quả của lạm phát và giá hàng hóa tăng cao, kể cả lương thực.
Theo thống kê của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hàng hóa cơ bản tại Syria đã tăng giá hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết ưu tiên hỗ trợ nhân đạo tại Syria trong bối cảnh phòng, chống COVID-19 đang tập trung vào nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19, điều kiện cơ sở vật chất và năng lực cho ngành y tế, cũng như nhận thức của người dân.
Phát biểu tại cuộc họp này, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó trưởng Phái đoàn Trường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho rằng việc ứng phó với COVID-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, do đại dịch này đang làm trầm trọng hơn khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Việc tiếp cận nhân đạo tại khắp các vùng miền của Syria cần được duy trì, đồng thời cần bảo đảm một môi trường an ninh thuận lợi để phục vụ các hoạt động nhân đạo này.
Đại diện Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Syria trong thời khắc khó khăn này, trong đó có việc bảo đảo an ninh lương thực và các vật tư y tế cần thiết trong phòng, chống COVID-19.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)