IEA: Thế giới cần bổ sung hoặc thay thế gần 80 triệu km đường dây truyền tải điện

Theo một báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, thế giới cần bổ sung hoặc thay thế 49,7 triệu dặm (tương đương gần 80 triệu km) đường dây truyền tải điện vào năm 2040, để các quốc gia có thể đáp ứng mục tiêu về khí hậu và đạt được những ưu tiên về an ninh năng lượng. Đáng chú ý, con số này gần như tương đương với tổng số km lưới điện hiện có trên thế giới.

Một hệ thống đường dây truyền tải điện ở Latvia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Một hệ thống đường dây truyền tải điện ở Latvia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

IEA cho biết, việc mở rộng quy mô đáng kể trong việc xây dựng các đường dây truyền tải trên toàn cầu sẽ đòi hỏi khoản đầu tư hàng năm hơn 600 tỷ USD/năm vào các lưới điện đến năm 2030, gấp đôi so với mức đầu tư toàn cầu hiện nay; đồng thời cũng sẽ đòi hỏi những thay đổi trong cách thức vận hành và điều tiết lưới điện ở mỗi quốc gia.

Cũng theo cơ quan này, sự tập trung toàn cầu vào một số công nghệ năng lượng sạch (bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, xe điện và máy bơm nhiệt) ấn tượng, nhưng đầu tư vào các đường dây truyền tải vẫn chưa đủ, và cuối cùng sẽ trở thành nút thắt lớn hơn bao giờ hết.

“Tiến bộ về năng lượng sạch gần đây mà chúng tôi chứng kiến ở nhiều quốc gia là chưa từng có và dẫn đến sự lạc quan; tuy nhiên, điều đó có thể đối mặt với nguy cơ nếu các chính phủ và doanh nghiệp không cùng nhau để đảm bảo lưới điện trên thế giới sẵn sàng cho nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới đang nổi lên một cách nhanh chóng… Báo cáo này chỉ ra những gì đang gặp nguy cơ và cần được thực hiện. Chúng ta cần đầu tư vào các lưới điện ngay hôm nay, hoặc sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn vào ngày mai”, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết trong một tuyên bố.

Hiện có 1.500 gigawatt công suất các dự án năng lượng sạch tái tạo, mà IEA gọi là “các giai đoạn phát triển nâng cao”, đang chờ được kết nối với lưới điện trên toàn thế giới. Con số này lớn hơn gấp 5 lần tổng năng lượng gió và năng lượng mặt trời được bổ sung trên toàn cầu vào năm 2022.

Bên cạnh đó, nhu cầu về điện sẽ tiếp tục tăng, khi có thêm nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu chuyển đổi sang năng lượng điện. Hậu quả của việc tụt hậu hơn nữa trong việc xây dựng các đường dây truyền tải là rất nghiêm trọng.

IEA giải thích, nếu lưới điện phát triển chậm, một kịch bản được gọi là “Trường hợp trễ lưới điện”, sẽ có thêm gần 60 tỷ tấn khí thải CO2 được thải ra trong giai đoạn 2030 - 2050. Con số này tương đương với lượng khí thải mà ngành điện trên toàn thế giới đã thải ra trong 4 năm qua.

Trong trường hợp này, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2050 sẽ “cao hơn nhiều” so với mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, và sẽ có 40% khả năng vượt ngưỡng 2 độ C.

Ngoài ra, một phần của thách thức là việc xây dựng các đường dây truyền tải mất quá nhiều thời gian, nhất là so với những phần khác của cơ sở hạ tầng năng lượng, với việc xây dựng các đường dây truyền tải mới sẽ mất từ 5 - 15 năm. Do đó, việc đầu tư vào cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng đường dây truyền tải phải diễn ra ngay bây giờ.

Đáng chú ý, việc xây dựng các đường dây truyền tải trên toàn cầu cần là một vấn đề hợp tác quốc tế. “Đảm bảo thế giới đang phát triển có các nguồn lực cần thiết để xây dựng và hiện đại hóa lưới điện là một nhiệm vụ thiết yếu đối với cộng đồng quốc tế”, ông Fatih Birol nhấn mạnh.

THANH NGÂN (Lược dịch từ CNBC)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/iea-the-gioi-can-bo-sung-hoac-thay-the-gan-80-trieu-km-duong-day-truyen-tai-dien-134020.html