IEA: Thế giới vẫn còn 2 tỷ người nấu ăn như 'thời nguyên thủy'
Theo một báo cáo xuất bản ngày 27/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) cảnh báo: Gần một phần ba dân số thế giới vẫn đang sử dụng những phương pháp nấu ăn có hại cho sức khỏe và sự phát triển của cơ thể, nhưng tình trạng này có thể được giải quyết bằng những phương tiện 'tương đối khiêm tốn'.
Thậm chí ngày nay, 2,3 tỷ người buộc phải nấu thức ăn bằng lửa trần hoặc bằng những lò thô sơ sử dụng than, phân gia súc hoặc chất thải nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, điều kiện sống của họ, và đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em.
Những nước lớn ở châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, đã cải thiện phương tiện nấu ăn của người dân từ những năm 2010. Ngược lại, tình hình đang xấu đi ở vùng châu Phi cận Sahara.
Theo báo cáo này, ô nhiễm không khí do các loại khói tạo ra đã gây 3,7 triệu ca tử vong mỗi năm, nguyên nhân gây tử vong sớm thứ 3 trên thế giới và thứ 2 ở Châu Phi.
Thu thập nhiên liệu đốt và chuẩn bị bữa ăn thường là trách nhiệm của phụ nữ. Theo nghiên cứu, họ dành trung bình 5 giờ/ ngày cho công việc trên, thay vì cho việc học hoặc công ăn việc làm để giúp họ tự giải phóng mình và có thêm thu nhập.
Những nhiên liệu này, dù chỉ đốt cháy một phần, vẫn tạo ra khí metan, góp phần thúc đẩy tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo IEA và AfDB, vấn đề “có thể được giải quyết trong thập kỷ này chỉ với những khoản đầu tư tương đối khiêm tốn” là 8 tỷ USD/năm. Giám đốc IEA Fatih Birol nói: “Không cần phải có một bước đột phá mới về công nghệ để giải quyết vấn đề này. Đây là vấn đề về chính sách của các chính phủ, ngân hàng phát triển và những tổ chức khác có mong muốn xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng giới”. Đồng thời, ông kêu gọi những công ty dầu mỏ - với tổng doanh thu năm 2022 là 4 nghìn tỷ USD, cùng đóng góp "một phần nhỏ" vào số tiền ước tính nhằm giải quyết vấn đề này.