'Ðiểm nóng' Kiên Giang
Kiên Giang hiện là địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản đứng đầu cả nước, với khoảng 10 nghìn tàu; trong đó gần 4.000 tàu có kích thước từ 15m trở lên, hoạt động đánh bắt xa bờ. Thực tế từ địa phương này cho thấy, không thể chỉ ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm IUU trên... giấy!
Ngư dân - nạn nhân, hay tội nhân?
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, công tác chống khai thác IUU chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15/9 vừa qua, có tới 42 tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tăng năm tàu so cùng kỳ năm 2020. Lý giải điều này, cơ quan chức năng cho rằng, do số lượng tàu cá vượt xa trữ lượng nguồn lợi thủy sản địa phương, lại thêm tình trạng chưa ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, cạn kiệt.
Ông Trương Văn Ngữ, ngư dân sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ hơn chục chiếc, cũng là Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá chia sẻ: "Nghề khai thác hải sản của Kiên Giang những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại. Mỗi chuyến ra khơi chi phí rất cao, nhưng khai thác không hiệu quả. Lượng cá, tôm ngày càng ít dần; trong khi đó lượng tàu nhiều, nợ ngân hàng phải trả, gánh nặng cơm áo nên nhiều chủ tàu đành nhắm mắt làm liều, chứ không ai muốn vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước khác đâu". Nhiều ngư dân có chung tâm trạng khi gánh nặng nợ không cho họ có nhiều lựa chọn.
Ðánh liều ra khơi, không ít chủ tàu đã phải trả giá khá đắt cho vi phạm của mình. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã tịch thu sáu tàu cá, xử phạt hành chính năm chủ tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Ðây được đánh giá là biện pháp mạnh, có tính răn đe trong xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU. Nhưng vì sao tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn?
Từ góc độ của người thực thi pháp luật, Ðại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Ðơn vị được giao tham mưu công tác xử lý tàu cá vi phạm, nhưng việc xử phạt vi phạm hành chính đang gặp khó. Người dân trả lời, tàu của họ đã bị tịch thu, họ không có tiền để nộp phạt… Vậy có nên tiến hành cưỡng chế không?". Cũng theo đại tá Nguyễn Văn Thống, hiện công tác quản lý tàu cá xuất nhập tại Kiên Giang được lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường, nhưng ở một số vùng bãi ngang công tác quản lý gặp khó. Hơn nữa, hiện có hơn một nửa số tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh đang hoạt động ở các tỉnh, thành phố khác nên Bộ đội Biên phòng Kiên Giang không quản lý được.
Ngăn chặn từ gốc
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, đến nay đã có 3.629 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,15% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt. Mặc dù các sở, ngành và địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn còn 31 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nên việc giám sát, kiểm soát 100% số tàu cá hoạt động trên biển vẫn chưa đạt hiệu quả. Tình trạng tháo thiết bị giám sát gửi sang tàu khác, thiết bị mất kết nối hoặc có kết nối nhưng cùng một vị trí trong thời gian dài... vẫn diễn ra nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chống khai thác IUU phải giải quyết được vấn đề mấu chốt. Cần có giải pháp để khôi phục nguồn lợi thủy sản, giải nhiệt áp lực nợ từ phía ngân hàng, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân… Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tuyên truyền mạnh hơn nữa vấn đề chống khai thác IUU đến các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, những người trực tiếp hành nghề khai thác hải sản trên biển để họ hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định về khai thác.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: "Số lượng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn khá lớn, đây là một thực tế cần nhìn nhận đúng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ bố trí đủ nguồn lực, nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh phí phục vụ việc chống khai thác IUU. Bằng nhiều biện pháp, phải khắc phục triệt để trong thời gian tới, bởi nó tác động sâu sắc đến ngành thủy sản Việt Nam".
Khẩn trương triển khai thực hiện đề án "Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030" và dự án "Ðiều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng; sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh", là giải pháp giúp phát triển nghề cá của Kiên Giang theo hướng hiệu quả, bền vững.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/-iem-nong-kien-giang-669697/