Ðiểm tựa của bản làng
Vững như mái nhà dài, trải qua mưa nắng, giông tố lại càng mạnh mẽ và trở thành những điểm tựa vững chắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa - đó là những già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Vững như mái nhà dài, trải qua mưa nắng, giông tố lại càng mạnh mẽ và trở thành những điểm tựa vững chắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa - đó là những già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Trong suốt 43 năm công tác trong ngành công an cho đến khi nghỉ chế độ, ông Ðiểu Mun, dân tộc XTiêng, nguyên Trưởng Công an huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước luôn gắn bó mật thiết, có uy tín với cộng đồng dân cư và được nhân dân tin tưởng.
Năm nay, tuy đã ở tuổi thất thập nhưng ông Ðiểu Mun vẫn dành nhiều thời gian để làm công tác xã hội, trở thành cầu nối giữa ý Ðảng, lòng dân. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, ông Ðiểu Mun nhớ lại: “Tôi vinh dự tham gia lực lượng công an địa phương từ năm 15 tuổi. Ðến năm 1985, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Công an huyện Phước Long nay là thị xã Phước Long. Trước đây, huyện Phước Long bao gồm cả huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Ðăng ngày nay cho nên rất rộng lớn. Sau giải phóng, vùng đất Phước Long xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội phức tạp. Trong khi đó, thông tin liên lạc, giao thông, phương tiện di chuyển không thuận lợi, đời sống nhân dân rất khó khăn”. Trong thời gian làm Trưởng công an huyện, ông Ðiểu Mun có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự. Một trong những biện pháp dân vận hiệu quả đó là trong các buổi họp thôn, dịp lễ, Tết gặp mặt đông đủ bà con, ông Ðiểu Mun tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho bà con hiểu. Nhờ cách làm “mưa dầm thấm lâu” mà nhận thức của đồng bào các dân tộc đã được thay đổi, nhiều hủ tục trong tổ chức ma chay, cưới hỏi lạc hậu dần được xóa bỏ trên địa bàn.
Những năm gần đây, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Ðiểu Mun cũng học tập tấm gương của Bác theo cách của riêng mình với mong muốn góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở. Tâm huyết với phương châm “lấy sức dân làm lợi cho dân”, ông tuyên truyền, vận động bà con thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, từng bước cải thiện đời sống. Ông Ðiểu Mun cũng tiên phong vận động bà con nhận khoán bảo vệ hơn 2.000 ha rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nhằm tạo công việc ổn định, tăng thu nhập cho hàng chục hộ nghèo nơi đây.
Với những đóng góp của mình, ông Ðiểu Mun được Ðảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó phải kể đến danh hiệu “Ðiểm tựa bản làng” do Ủy ban Dân tộc trao tặng. “Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những người uy tín trong cộng đồng như ông Ðiểu Mun vẫn tích cực tuyên truyền, vận động bà con định canh, định cư, tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bản thân ông Ðiểu Mun cũng như những người có uy tín khác luôn làm gương trong các phong trào thi đua, nhất là phát triển kinh tế. Từ kinh nghiệm, thành công của mình, họ sẽ tuyên truyền, chia sẻ đến bà con để cùng đổi mới sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự tại những địa bàn trọng yếu trong tình hình mới”, ông Ðiểu Kiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập cho biết.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/iem-tua-cua-ban-lang-647768/