Ðiều chưa biết về xưởng phim hoạt hình Ghibli
Ðược thành lập vào năm 1985, xưởng phim hoạt hình Ghibli chính là một biểu tượng của quan điểm, phong cách nghệ thuật của người Nhật Bản. Những thước phim vừa khiêm nhường nhưng cũng vừa đẹp đẽ, vừa giản dị mà cũng đầy nhân văn. Xưởng phim huyền thoại này đã chinh phục hàng triệu trái tim khán giả trên khắp thế giới.
Vậy xưởng phim Ghibli đặc biệt đến nhường nào? Khi sự tỉ mỉ đạt đến giới hạn đỉnh cao
Trong thời đại mà việc làm phim hoạt hình trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ công nghệ tân tiến thì Ghibli vẫn trung thành với lối vẽ tay truyền thống đã làm nên thương hiệu. Dĩ nhiên làm hoạt hình theo kiểu truyền thống là một điều không hề đơn giản và tốn thời gian khi một giây trong một bộ phim phải được tạo ra bởi 24 khung hình cũng là 24 bức tranh do đội ngũ họa sĩ vẽ nên hoàn toàn bằng tay với yêu cầu về độ chính xác tuyệt đối. Một tháng năng suất của xưởng phim thường chỉ làm ra 3-5 phút và phải mất vài năm để một đạo diễn của Ghibli hoàn thiện xong phim của mình. Tỉ mỉ chính là yêu cầu tiên quyết trong mọi tác phẩm của Ghibli.
Và điều đó lý giải tại sao phim của Ghibli dẫu đưa người xem trải qua biết bao cuộc phiêu lưu nhiệm màu thì những cảnh phim đọng lại sâu sắc nhất lại là những tiểu tiết. Từ hành động bổ dứa được miêu tả sinh động, thậm chí có phần kịch tính trong Only Yesterday cho đến những phút giây trầm lắng trên chuyến tàu đưa Chihiro lên đường giải cứu chàng Haku trong Spirited Away. Một bữa ăn ấm cúng, những cử chỉ đời thường hay đơn giản chỉ là khoảng không tĩnh lặng qua bàn tay nhào nặn của những nhà làm phim gạo cội đến từ Ghibli đều có khả năng kéo người xem gần lại với nhân vật và đẩy cốt truyện đi xa hơn.
Dù là một kết thúc đượm buồn hay có hậu, những bộ phim của Ghibli luôn mở ra một thế giới mới, gieo vào trái tim chúng ta những cảm xúc rất đẹp đẽ.
Nỗi cô đơn và sự trưởng thành
Những cuộc phiêu lưu, những thế giới giả tưởng rộng lớn ngập tràn sắc màu phép thuật luôn là đặc sản trứ danh của xưởng phim Ghibli. Song, ẩn sau lớp vỏ nhiệm màu đó lại luôn thường trực một nỗi cô đơn, lạc lõng dành cho nhân vật chính khi phải tồn tại ở nơi mà mình không thuộc về.
Cô đơn là chủ đề xuất hiện thường xuyên nhất trong các tác phẩm của Ghibli, ở đó nhân vật chính thường bị đẩy vào các cuộc phiêu lưu mà họ không hề dự tính trước. Trong Spirited Away (2001), Chihiro bị chia cắt với bố mẹ và buộc phải tồn tại trong thế giới linh hồn hoàn toàn lạ lẫm. Trong Princess Mononoke (1997), chàng hoàng tử Ashitaka phải rời ngôi làng của mình để tìm cách hóa giải lời nguyền đang dần ăn mòn cơ thể. Và ở trong một phim ít yếu tố kì ảo hơn như Kiki’s Delivery Service (1989), nàng phù thủy nhỏ Kiki phải chật vật để thích nghi với cuộc sống mới trong một thành phố hoàn toàn xa lạ … Tất cả họ đều đơn độc trong hành trình của mình.
Đến cuối chặng đường, khi những chông gai đã qua đi thì cái kết có hậu cũng không dễ dãi đến với họ, bởi trưởng thành luôn đi kèm với một cái giá không hề rẻ và điều quan trọng nằm ở cái cách mà họ đón nhận điều đó ra sao.
Dù là một kết thúc đượm buồn hay có hậu, những bộ phim của Ghibli luôn mở ra một thế giới mới, gieo vào trái tim chúng ta những cảm xúc rất đẹp đẽ.
Những thông điệp mang tầm vóc thời đại
Phản đối chiến tranh luôn là một tinh thần được Ghibli nêu cao ngay từ những bộ phim đầu tiên như Nausicaa (1984), Porco Rosso (1992) và đặc biệt là tuyệt tác Grave Of The Fireflies - Mộ Đom Đóm (1988)- bộ phim lột tả đến tột cùng những đau thương do chiến tranh gây ra và được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của cố đạo diễn Isao Takahata (1935 - 2018).
Đạo diễn Hayao Miyazaki thậm chí còn từ chối đến tham dự buổi lễ trao giải Oscar năm 2001 để phản đối việc nước Mỹ tấn công Iraq lúc bấy giờ. Và tính đến nay, Spirited Away, tác phẩm tranh giải năm đó của Miyazaki vẫn là bộ phim vẽ tay và không nói tiếng Anh duy nhất trong lịch sử Oscar thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất.
Một trong những yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu trong phim của Ghibli đó là thiên nhiên. Trong phim của Miyazaki, thi thoảng loài người và thiên nhiên nảy ra những cuộc xung đột gay gắt nhưng cũng có khi con người và vạn vật lại chung sống hòa thuận. Miyazaki luôn biết cách vỗ về và giáo dục ý thức bảo tồn thiên nhiên của khán giả.
Một điều quan trọng khác không thể thiếu khi nhắc đến phim của Ghibli chính là hình tượng nữ giới. Hẳn không ai có thể quên được hình nàng công chúa Mononoke cưỡi sói xông pha vào cuộc chiến bảo vệ thần rừng, hay hình ảnh nàng Nausicaa của Thung Lũng Gió với sứ mệnh giải cứu dân tộc trên vai. Nữ giới trong hoạt hình Ghibli bất kể là công chúa hay chiến binh, người trẻ hay đã xế chiều đều mang tính cách quyết liệt, có phần dạn dĩ, và hoàn toàn có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Cái tên Ghibli trong tiếng Ý có nghĩa là gió Địa Trung Hải, hàm ý như muốn “thổi một luồng gió mới vào nền công nghiệp anime Nhật Bản”. Dù đã hoạt động hơn 35 năm và đạt được vô số thành tựu nhưng Ghibli vẫn chưa hề lỗi thời còn khán giả luôn hóng chờ tới ngày xưởng phim cho ra mắt tác phẩm mới.
Xưởng phim hoạt hình Ghibli luôn là một nguồn cảm hứng nghệ thuật với những tiểu tiết có chất lượng khắt khe.hằn in trong tâm trí người xem nhờ sự hoàn mỹ tổng thể, gieo vào lòng người những những giá trị nhân văn. Chắc chắn rằng bất cứ ai khi xem phim của Ghibli đều sẽ phải lòng những thước phim đầy nhiệm màu đó với một cảm xúc chân thành nhất.