IFC tài trợ 150 triệu USD tín dụng xanh cho OCB
Trải qua nhiều năm đồng hành với nhiều chương trình cùng IFC, OCB được đánh giá cao bởi tính minh bạch, tốc độ xử lý nhanh về dịch vụ và chính xác trong các nghiệp vụ tài trợ thương mại.
Mới đây, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation) đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 150 triệu USD vào dịch vụ tư vấn về tài chính xanh dành cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Cụ thể, khoản đầu tư được đề xuất bao gồm một khoản vay có giá trị 150 triệu USD, thời hạn lên tới 5 năm tài trợ cho mục đích mở rộng danh mục cho vay của OCB đối với các dự án phát triển bền vững trong các lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện.
Dự kiến quyết định cuối cùng sẽ được IFC đưa ra vào ngày 29/3 tới đây.
Đầu năm 2023, IFC cũng đã phê duyệt cung cấp cho OCB khoản vay 100 triệu USD cũng có kỳ hạn 5 năm với mức lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/2 vừa qua, IFC và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã có buổi thảo luận với đại diện các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, khoảng 40 ngân hàng thương mại về những cơ hội mở rộng tài trợ thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu trong nước tăng cường giao thương quốc tế với sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ ngân hàng.
Theo một báo cáo vừa được công bố của IFC và WTO cùng thời điểm, tăng cường tài trợ thương mại trong nước có thể giúp tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam thêm 55 tỷ USD mỗi năm.
Theo đó, năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trị giá 731 tỷ USD của cả nước. Điều đáng chú ý là các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại trong khu vực, hơn là các công ty đa quốc gia lớn tham gia thương mại toàn cầu.
Nhiều công ty con của các công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và giá trị lớn, như điện tử và may mặc, ít phụ thuộc hơn vào tài trợ thương mại.
Báo cáo chỉ ra rằng, việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng 6% và 9%, đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng thêm tới hơn 55 tỷ USD mỗi năm.
Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào thì hiện tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam hiện tập trung vào các nhà sản xuất trong nước.
Do đó, việc mở rộng phạm vi tài trợ thương mại sẽ không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, mà quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và lan tỏa đồng đều hơn lợi ích của thương mại giữa các nhà sản xuất trong nước.
Các nhà xuất nhập khẩu hiện gặp trở ngại từ các yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình đăng ký phức tạp là một trong những lý do chính khiến họ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng địa phương.
Về phía cung, theo thống kê, các ngân hàng Việt Nam “từ chối” trung bình 12% yêu cầu tài trợ thương mại – chủ yếu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ – tương ứng khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu tín dụng chưa được đáp ứng vào năm 2022, với lý do thiếu tài sản thế chấp và rủi ro tín dụng cao.
Do vậy, IFC và WTO khuyến nghị phát triển các công cụ mới, như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận. Để làm được điều này, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình.
Báo cáo cũng đề xuất nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà cung cấp trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại.