iHanoi - cụ thể hóa quyết tâm đưa chính quyền số gần hơn với người dân

Việc triển khai ứng dụng iHaNoi (từ ngày 28/6/2024), đã thể hiện tâm huyết và quyết tâm rất cao của chính quyền TP trong mục tiêu 'lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ', đồng thời khai thác hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ nhằm phục vụ nhóm tiện ích cho công dân số.

Hơn 80% phản ánh đã được giải quyết

Tính đến hết năm 2024, theo thông tin từ Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi đã ghi nhận khoảng 16 triệu lượt người truy cập. Số lượng người dùng đăng ký tài khoản trên ứng dụng đạt khoảng 1,5 triệu người, trong đó có hơn 70.000 người đăng ký mới thông qua nền tảng VNeID.

Trong thời gian qua, toàn TP đã tiếp nhận 23.910 phản ánh và kiến nghị từ người dân và DN. Đáng chú ý, 19.871 phản ánh (chiếm 83,1%) đã được giải quyết, thể hiện hiệu quả của ứng dụng trong việc xử lý nhanh chóng các vấn đề của người dân.

Sau khi bấm nút ra mắt từ ngày 28/6/2024, đến nay ứng dụng iHanoi đã được bổ sung, thêm mới nhiều nội dung như: ở lĩnh vực giao thông, người dân có thể đăng ký vé tháng xe buýt; đặt vé xe buýt Nội Bài; tra cứu điểm đỗ; tìm xe buýt…

Lĩnh vực giáo dục trên iHanoi giúp người dân tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 thông qua số báo danh. Về tuyển sinh đầu cấp: người dân có thể xem các quy định tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, đăng ký tuyển sinh.

Ở lĩnh vực về truyền thông, tin tức: iHanoi cảnh báo thủ đoạn tội phạm, cung cấp các thông tin cảnh báo về những thủ đoạn tội phạm thường xuyên sử dụng hiện nay, giúp người dân nâng cao nhận thức và có những kỹ năng bảo vệ mình và gia đình khỏi các mối nguy hiểm tiềm tàng.

Toàn bộ thông tin được chính Công an TP Hà Nội cập nhật gửi tới người dân. Đồng thời, người dân có thể tham gia trả lời các khảo sát đánh giá sự hài lòng về việc phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cùng các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi số tại UBND quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cùng các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi số tại UBND quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng

Một điểm nhấn rất mới, có thể coi là đột phá là việc tích hợp VNeID lên iHanoi. Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là một bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.

Người dân giờ đây chỉ cần sử dụng 1 tài khoản định danh điện tử duy nhất (VNeID) để đăng nhập sử dụng các dịch vụ/ứng dụng của cơ quan chính quyền Hà Nội cung cấp như ứng dụng iHanoi, cổng dịch vụ công TP Hà Nội. Điều này giúp người dân không cần phải ghi nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu, tiết kiệm thời gian khi thao tác.

Việc sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập trên ứng dụng iHanoi giúp người dân không cần xác thực lại các thông tin cá nhân như số CCCD, họ tên, ngày sinh, giới tính trên ứng dụng iHanoi. Với hình thức đăng ký/đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, người dân vẫn cần thực hiện xác thực lại các thông tin cá nhân khi sử dụng một số chức năng như “Phản ánh thủ tục hành chính”, “Đăng ký tiếp công dân”, “Sổ sức khỏe điện tử”.

VNeID sử dụng công nghệ bảo mật cao dựa trên cơ chế mã hóa AES256 tiên tiến, giúp bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng. Việc hoàn thành tích hợp VNeID lên ứng dụng iHanoi thể hiện sự nỗ lực không ngừng của chính quyền Hà Nội nhằm mục tiêu giúp người dân Thủ đô có thể tiếp cận nhiều dịch vụ của cơ quan chính quyền một cách an toàn và thuận tiện nhất.

Đồng thời, việc sử dụng duy nhất một tài khoản đăng nhập sẽ giúp người dân giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau, ngăn chặn, hạn chế các hành vi lừa đảo làm lọt, lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng.

Không chỉ nâng cao chỉ số phục vụ người dân mà còn thúc đẩy chuyển đổi số tại Hà Nội

Khi mở ứng dụng iHanoi, mục “Phản ánh, kiến nghị” hiện lên ngay lập tức trên giao diện chính, thể hiện sự ưu tiên của chính quyền TP Hà Nội trong việc kết nối và tương tác trực tiếp với người dân. Việc đưa mục này lên đầu tiên cho thấy cam kết của TP trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu phản ánh các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, từ giao thông đến môi trường hay trật tự xây dựng.

Đặc biệt, mục “Phản ánh hiện trường” được thiết kế trực quan, thao tác nhanh và dễ sử dụng. Người dân có thể gửi phản ánh và theo dõi tiến trình xử lý ngay trên ứng dụng, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và tạo ra kênh thông tin minh bạch giữa người dân và chính quyền.

Theo ghi nhận, các phản ánh của người dân được xử lý khá nhanh. Chẳng hạn, một vụ việc về xây dựng lấn chiếm không gian chung tại ngõ 307 Giảng Võ, quận Đống Đa, được phản ánh vào ngày 24/11/2024, chỉ sau một ngày đã được UBND phường Cát Linh phản hồi và thông báo kết quả xử lý. Cụ thể, phường đã giao Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư làm việc theo quy định.

Tương tự, một vụ việc khác về xây dựng trái phép tại số 11D, ngách 105/41 Doãn Kế Thiện, quận Cầu Giấy, được phản ánh vào ngày 21/11/2024. Đến ngày 26/11/2024, UBND phường Mai Dịch đã xử lý và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Đến nay, chủ đầu tư đã tự giác thực hiện yêu cầu này.

Trường hợp người dân phản ánh “Tái diễn tình trạng đổ rác” tại khách sạn Hanoi La Storia Hotel (Hàng Đồng, Hoàn Kiếm). Nội dung và ảnh chụp đăng tải thời điểm 9 giờ 30 sáng ngày 11/6.

Tại mục “Kết quả xử lý”, UBND phường Hàng Bồ đã trả lời phản ánh: “Bộ phận quản lý đô thị phối hợp với Tổ vệ sinh môi trường thực hiện khắc phục ngay và duy trì bảo đảm tại khu vực, đồng thời tiến hành xác minh người vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật” kèm hình chụp đã xử lý vào thời gian 13 giờ chiều ngày 11/6.

Đánh giá về quá trình vận hành ứng dụng iHanoi, anh Bùi Xuân Đông (Giám đốc một công ty sửa chữa, cung cấp thiết bị ô tô tại Hà Nội) cho biết, người dân đã có thể cùng các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở.

Ứng dụng iHanoi nhanh chóng trở thành công cụ quan trọng, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và DN tại Thủ đô, bao gồm: chức năng phản ánh hiện trường, dịch vụ công trực tuyến, cổng tham vấn đối thoại dành cho DN và hộ kinh doanh, tổng đài hỏi đáp tự động tích hợp AI cùng các dịch vụ hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực. Những tiện ích này không chỉ nâng cao chỉ số phục vụ người dân mà còn thúc đẩy chuyển đổi số tại Hà Nội.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về tính ổn định và khả năng xử lý trong các trường hợp phức tạp. Dù đã phản ánh về việc ùn tắc giao thông hay những bất cập tại cộng đồng nơi cư trú, địa phương nhiều lần, nhưng thời gian giải quyết vẫn chưa rõ ràng, có lúc không nhận được phản hồi kịp thời. Vì thế, mặc dù ứng dụng iHanoi đã có nhiều cải tiến, nhưng một số vấn đề vẫn cần thêm thời gian và nỗ lực giải quyết.

Thái Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ihanoi-cu-the-hoa-quyet-tam-dua-chinh-quyen-so-gan-hon-voi-nguoi-dan.html