IIF: Nợ toàn cầu đạt kỷ lục 307.000 nghìn tỷ USD
Hôm thứ Ba (19/9), Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, nợ toàn cầu đã tăng thêm 10.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, quay lại xu hướng tăng sau khi giảm gần hai năm do lạm phát gia tăng.
Nợ phải trả trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 307.000 tỷ USD trong quý II năm nay, tăng 100.000 tỷ USD trong thập kỷ qua. Hơn 80% số nợ tăng mới nhất đến từ các nước phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp có mức tăng lớn nhất. Trong số các thị trường mới nổi, mức tăng lớn nhất đến từ các nền kinh tế lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
IIF cho biết: “Khi lãi suất và mức nợ cao đẩy chi phí lãi suất của chính phủ lên cao hơn, căng thẳng nợ trong nước sẽ gia tăng”.
Tỷ lệ nợ toàn cầu trên tổng sản phẩm quốc nội đã tăng lên 336% từ mức 334% vào cuối năm ngoái và IIF dự đoán sẽ đạt 337% vào cuối năm 2023, chủ yếu là do thâm hụt ngân sách chính phủ khá lớn. Con số này vẫn thấp hơn mức 362% trong quý đầu tiên năm 2021.
Giám đốc IIF Emre Tiftik cho biết trong báo cáo: “Lạm phát tăng đột ngột là yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ nợ giảm mạnh trong hai năm qua, cho phép nhiều quốc gia và doanh nghiệp lạm phát đồng nội tệ của họ”.
Báo cáo cho thấy, nợ hộ gia đình trên GDP ở các thị trường mới nổi vẫn cao hơn mức tiền Covid-19, phần lớn là do Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP ở các nền kinh tế phát triển đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ trong 6 tháng đầu năm.
“Nếu áp lực lạm phát vẫn tồn tại ở các nền kinh tế lớn, thì tình trạng bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ tạo ra một bước đệm chống lại việc tăng lãi suất hơn nữa”, báo cáo cho biết.
Sau khi tăng lãi suất lên mức hơn 5% trong 18 tháng qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell được cho là sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách tuần này. Các nhà đầu tư đang bị chia rẽ về việc liệu điều đó có đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch thắt chặt tín dụng mạnh mẽ nhất của Fed trong nhiều thập kỷ hay không.
Ngoài ra, IIF cũng bày tỏ quan ngại về mức nợ chính phủ cao, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và cận biên khi tập trung vào các khoản nợ bằng nội tệ.
Báo cáo cho biết: “Mức nợ chính phủ trong nước đang ở mức báo động ở nhiều quốc gia. Điều đáng lo ngại nhất là cơ cấu tài chính toàn cầu chưa được chuẩn bị đầy đủ để quản lý rủi ro liên quan đến căng thẳng trên thị trường nợ trong nước”.