ILO hoan nghênh bước tiến của Việt Nam trong xóa bỏ lao động cưỡng bức
'Với việc phê chuẩn Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO, Việt Nam đang chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức', bà Corrine Vargha, Trưởng Ban Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế của ILO tại Geneva nói.
Ngày 8-6, với 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Công ước số 105 bổ sung cho Công ước số 29 về Lao động Cưỡng bức – một công ước cơ bản khác đã được Việt Nam phê chuẩn vào năm 2007. Ngay khi hoàn thiện hồ sơ gia nhập, Việt Nam sẽ chính thức phê chuẩn công ước, và tiêu chuẩn lao động quốc tế này sẽ có hiệu lực sau đó một năm.
Theo bà Corrine Vargha, Trưởng Ban Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế của ILO tại Geneva, “việc phê chuẩn lần này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh con số ước tính toàn cầu của ILO cho thấy khẩn thiết phải thực hiện các biện pháp hiệu quả, khẩn cấp để xóa bỏ lao động cưỡng bức”. “Hơn nữa, thông qua việc phê chuẩn Công ước 105, Việt Nam đang tiến dần tới đạt được việc làm thỏa đáng và thực hiện được ở cấp quốc gia các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2030 của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là mục tiêu số 8.7.”
Lao động cưỡng bức được hiểu là công việc được thực hiện một cách không tự nguyện, phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó. Lao động cưỡng bức chỉ những tình huống mà trong đó con người bị ép buộc phải làm việc thông qua việc sử dụng bạo lực hoặc đe dọa, hoặc bằng những biện pháp tinh vi hơn như” thao túng khoản nợ, giữ giấy tờ nhân thân, hoặc đe dọa tố cáo với các cơ quan quản lý di trú. Lao động cưỡng bức làm tổn hại nhân phẩm con người, không cho người lao động khả năng được tìm kiếm sự đầy đủ về vật chất và phát triển tinh thần dựa trên ý chí tự do.
Chính vì thế, việc phòng, chống việc sử dụng lao động cưỡng bức khuyến khích doanh nghiệp không thực hiện các hành vi cưỡng bức lao động, góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ cũng được coi là một thành phần của “giấy thông hành” của hàng hóa, dịch vụ đó khi tiếp cận thị trường toàn cầu.
Theo số liệu ước tính của ILO, có tới 24,9 triệu nạn nhân của lao động cưỡng bức trên thế giới. Trong số đó, 16 triệu người bị bọc lột trong khu vực tư nhân như lao động giúp việc gia đình, ngành xây dựng và nông nghiệp; 4,8 triệu người bị bóc lột lao động tình dục, và 4 triệu người bị cưỡng bức lao động do các cơ quan nhà nước áp đặt. Trong khu vực tư nhân, lao động cưỡng bức tạo ra mức lợi nhuận phi pháp lên tới 150 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
“Chính phủ và các đối tác xã hội đã và đang thực hiện những nỗ lực bền bỉ và nhất quán nhằm cải thiện khung pháp luật để mở đường cho Việt Nam tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao một cách bền vững”, Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho biết.
Cùng với việc hoan nghênh bước tiến của Việt Nam trong xóa bỏ lao động cưỡng bức, ILO cũng hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông quá Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).