'Im lặng súng', vấn đề then chốt để thúc đẩy kinh tế châu Phi

'Ngưng tiếng súng: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi' là chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên minh châu Phi (AU) lần 33 diễn ra ở thủ đô của Ethiopia mới đây. Hội nghị lần thứ 33 này lấy cảm hứng từ những cam kết trước đó của các lãnh đạo châu Phi nhằm kết thúc chiến tranh và ngăn chặn nạn diệt chủng đã từng nhấn chìm nhiều quốc gia tại châu lục này.

Bên cạnh các hội nghị bàn về các cải cách AU, đặc biệt là về vấn đề tài chính, và việc thực hiện các biện pháp để thực thi Khu vực thương mại tự do châu Phi (ZLEC), trong khuôn khổ hội nghị lần này, các cuộc tranh luận cũng đã tập trung về các xung đột ở châu Phi với chủ đề "cấm vũ khí."

 Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki cho biết, AU phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, kế hoạch này là sự vi phạm trắng trợn đối với nhiều nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Dịp này, ông Moussa Faki cũng đề cập đến các vấn đề "khủng bố, xung đột giữa các cộng đồng và các cuộc khủng hoảng trước và sau bầu cử" mà các nước châu Phi phải đối mặt hiện nay. Về vấn đề Libya và Nam Sudan, ông Moussa Faki nhấn mạnh tới "giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi".

Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, Tổng thống Nam Phi Ciryl Ramaphosa đảm nhận vai trò Chủ tịch AU luân phiên thay cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi. Phát biểu sau khi nhậm chức Chủ tịch AU chiều 9/2, ông Ramaphosa chỉ ra các ưu tiên của AU trong năm 2020 bao gồm việc tăng cường đoàn kết châu lục, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo đảm song hành giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế, các biện pháp giải quyết xung đột và nâng cao vai trò của châu Phi trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới.

Tại hội nghị, tân Chủ tịch AU cũng cam kết sẽ nỗ lực thực hiện ngăn chặn các xung đột vẫn đang diễn ra tại Libya và khu vực Sahel, cũng như cắt đứt các nguồn tài trợ quốc tế cho các xung đột này. Ông Ramaphosa cũng bày tỏ sự đoàn kết của AU với nhân dân Palestine và người dân tại khu vực Tây Sahara - một trong vùng lãnh thổ gây chia rẽ về chính trị nhất tại châu Phi. Theo ông Ramaphosa, với vai trò Chủ tịch AU, Nam Phi sẽ tổ chức một hội nghị bất thường về vấn đề ‘’Ngưng tiếng súng” vào tháng 5 tới tại Nam Phi để ‘’bảo đảm rằng tính độc lập và tự chủ của người dân châu Phi bây giờ không còn là vấn đề riêng của châu lục, mà là vấn đề chung của nhân loại’’.

Năm 2005, ở châu Phi chỉ có 6 quốc gia có xung đột và 7 cuộc xung đột vũ trang, thì đến năm 2018, số lượng các cuộc xung đột vũ trang đã leo thang từ 7 đến 21. Điều này cho thấy sự phức tạp của tình hình an ninh ở châu Phi. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự châu Phi năm 2063 với tầm nhìn "Im lặng súng” nhằm mục đích chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xung đột dân sự và ngăn chặn nạn diệt chủng ở lục địa này từ năm 2020.

AU nhận thấy cần thiết phải xây dựng hòa bình thông qua việc thực hiện cách đổi mới như phát triển và đoàn kết và nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của xung đột và những ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, đồng thời thực hiện các biện pháp cải tiến khác, thay vì hướng đến giải pháp quân sự. Các nhà lãnh đạo châu Phi kêu gọi các cơ quan thế giới như Liên Hợp Quốc tăng cường hỗ trợ giải quyết các cuộc xung đột như ở Libya, Nam Sudan. "Im lặng súng” được cho là vấn đề then chốt để thúc đẩy hội nhập kinh tế ở lục địa này.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/im-lang-sung-van-de-then-chot-de-thuc-day-kinh-te-chau-phi-76938.html