IMF có nhận định đúng về nền kinh tế Anh?
Các chính trị gia của Anh đều đồng ý rằng Anh đang đối mặt với nhiều vấn đề. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho rằng nguyên nhân là do năng suất kém, khoảng cách kỹ năng và đầu tư kinh doanh thấp.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 2/2 đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 4%, mức cao nhất trong 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, song cho rằng lãi suất có thể đã đạt mức đỉnh.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp tại các cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoE trong nỗ lực chặn đà lạm phát đang tăng cao.
Trước đó ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế Anh đang trong tình trạng ảm đạm, và là nền kinh tế hàng đầu duy nhất có khả năng suy giảm trong năm nay. Theo triển vọng của IMF, ngay cả Nga cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn Anh trong năm 2023. Tờ The Financial Times cho rằng, dự báo ảm đạm của IMF đối với tăng trưởng của Anh chỉ ra một số vấn đề trong ngắn hạn và dài hạn.
Các chính trị gia của Anh đều đồng ý rằng, Anh đang đối mặt với nhiều vấn đề. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã đổ lỗi nguyên nhân cho "tăng trưởng không đồng đều và thấp hơn" là do năng suất kém, khoảng cách kỹ năng, đầu tư kinh doanh thấp và chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực.
Tại Hạ viện, Bộ trưởng Tài chính của Công Đảng đối lập Rachel Reeves (đóng vai trò phản biện lại chính phủ của Đảng Bảo thủ cầm quyền), cho rằng nguyên nhân chỉ đơn giản là do "13 năm thất bại của Đảng Bảo thủ".
* Liệu IMF có nhận định đúng về nền kinh tế Anh?
Các dự báo của IMF sẽ không bao giờ hoàn toàn chính xác về nền kinh tế toàn cầu hoặc bất kỳ quốc gia nào. Các dự báo được coi là một quá trình liên tục cập nhật các kỳ vọng phù hợp với sự phát triển kinh tế gần đây nhất.
Dự báo cho Anh phản ánh chính sách kinh tế Trussonomics do cựu Thủ tướng Liz Truss đưa ra, vốn đến quá muộn so với dự báo tháng 10/2022 của IMF, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi IMF này có cái nhìn mờ nhạt hơn về triển vọng của nước Anh. Bất chấp việc bị hạ bậc, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của quỹ, cho biết chính sách kinh tế của chính phủ hiện đang "đi đúng hướng".
Trong một động thái song song, IMF đã lấy dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến từ khu vực đồng euro trước tình hình giá năng lượng tăng và việc Trung Quốc mở cửa để nâng cấp triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Dự báo đối với Anh không khác xa so với các dự báo gần đây khác từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và khu vực tư nhân. Nhưng một số nhà kinh tế đã đặt câu hỏi về sự kết hợp của IMF giữa sự lạc quan về thế giới và sự bi quan về Anh.
Ông Ben May, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics cho biết, ông nghĩ IMF đã trở nên quá lạc quan về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và Mỹ sau những dữ liệu tốt hơn gần đây.
Ông Ben May nói: "Thay vì các nền kinh tế chỉ đơn giản là rũ bỏ hàng loạt cú sốc trong khoảng một năm qua, chúng tôi nghĩ rằng những va chạm này đang cần [nhiều] thời gian hơn để chuyển sang hoạt động thực tế so với những gì chúng tôi đã dự tính trước đây".
* Tại sao nền kinh tế Anh tăng trưởng chậm như vậy?
Có hai vấn đề, một tạm thời và một dai dẳng.
Vấn đề tạm thời là sự phục hồi của Anh sau đại dịch COVID-19 quá mạnh để có thể giữ lạm phát ở mức thấp và BoE cho rằng nước này cần một thời gian kinh tế hạ nhiệt để giá cả trở lại ổn định.
Vấn đề tạm thời này không gay gắt như hồi mùa Thu năm 2022 do giá khí đốt tự nhiên bán buôn đã giảm mạnh. Trong khi đó, BoE ngày 2/2 đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 4%, mức cao nhất trong 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, báo hiệu rằng cơ quan này không nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết.
Vấn đề dài hạn phản ánh mối quan tâm của Bộ trưởng Tài chính Hunt về chi tiêu vốn, kỹ năng, việc làm và tăng trưởng năng suất. Mặc dù lực lượng lao động có trình độ học vấn cao hơn bao giờ hết, nhưng tốc độ tăng năng suất giảm hơn so với các quốc gia khác sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và đầu tư kinh doanh không tăng kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.
Vào ngày kỷ niệm ba năm Brexit (31/1), Jonathan Portes, Giáo sư tại Đại học King's College London, bày tỏ rằng ông có thể không đồng ý về tác động của việc rời EU đối với nền kinh tế Anh, nhưng chắc chắn rằng "Brexit, như các nhà kinh tế dự đoán, thương mại và đầu tư của Anh giảm".
* Kế hoạch của chính phủ Anh để tăng trưởng?
Trong một bài phát biểu về nền kinh tế Anh vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hunt cho biết, "kế hoạch tăng trưởng" của chính phủ Anh sẽ tập trung vào "bốn vấn đề": Doanh nghiệp, giáo dục, việc làm và mọi nơi - ám chỉ đến việc giảm bất bình đẳng trong khu vực.
Nhưng có rất ít chi tiết trong bài phát biểu, nên các nhóm kinh doanh mô tả bài phát biểu là "trống rỗng". Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Jagjit Chadha cho biết, "chủ đề tổng thể là đáng khích lệ nhưng các chi tiết cụ thể thì nhẹ, đặc biệt là về giáo dục và mọi nơi".
Cũng đáng chú ý như bài phát biểu là việc loại bỏ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trước đây của chính phủ. Không giống như trong "Kế hoạch tăng trưởng" năm 2022 của cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vào tháng 9/2022, không có mục tiêu 2,5% hàng năm về tăng GDP, cắt giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân, hoặc cải cách kế hoạch để tăng tốc cơ sở hạ tầng.
So với "Kế hoạch tăng trưởng" năm 2021 của cựu Thủ tướng Boris Johnson, việc Chính phủ Anh tích cực "đầu tư ồ ạt vào khoa học và công nghệ" và tập trung vào "nâng cấp" ít được chú trọng hơn nhiều.
* Làm thế nào Anh có thể cải thiện tăng trưởng kinh tế?
Hầu hết các nhà quan sát bên ngoài không có vấn đề gì với "bốn vấn đề" của Chính phủ Anh, nhưng thấy các kế hoạch tăng trưởng mới được công bố thường xuyên của chính phủ là một sự phân tâm.
Ví dụ, tổ chức sử dụng lao động CBI muốn chính phủ phải hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư kinh doanh khi thuế doanh nghiệp cao hơn và tập trung dài hạn vào các kỹ năng và rào cản đối với công việc, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng.
Ông Rain Newton-Smith, nhà kinh tế trưởng của CBI, cho biết: "Chúng tôi cần một kế hoạch để nâng cao tốc độ tăng trưởng và năng suất của Anh. Đó là việc đảm bảo Anh có bối cảnh cạnh tranh phù hợp để thúc đẩy đầu tư, cải thiện khả năng tham gia vào thị trường lao động, nâng cao kỹ năng và hành động để cải thiện hiệu quả năng lượng và dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh".
Ông Erik Britton, Giám đốc điều hành của Fathom Consulting, cho biết, về trọng tâm, một nền kinh tế cỡ trung bình như Anh không thể làm mọi thứ và nên tập trung vào thành công trong một số lĩnh vực then chốt.
Ông Britton nói: "Đây phải là những lĩnh vực mà chúng tôi biết là có năng suất cao và có tác động lan tỏa tích cực từ R&D sang các lĩnh vực khác. Đó là những lĩnh vực mà Anh cần tham gia và chính phủ cần hỗ trợ".
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cách dễ nhất để nâng cao tốc độ tăng trưởng và giúp giảm lạm phát là tăng số lượng người tìm việc làm, vốn đã giảm kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Nhưng điều này không dễ dàng. Nhà kinh tế Allan Monks tại JPMorgan cho biết, Anh đã mất gần 1 triệu người - gần 4% lực lượng lao động - so với xu hướng trước đại dịch, một vấn đề gần như là duy nhất trên toàn thế giới.
Ông Monks nói thêm rằng, giải pháp nhanh nhất sẽ là tăng cường nhập cư nhưng thừa nhận rằng điều này có thể bị các chính trị gia bác bỏ. Nhưng ông nói rằng, các chính sách khác để khuyến khích nhiều người lao động hơn có thể "tốn kém, hành động quá chậm hoặc vẫn không khả thi về mặt chính trị", hạn chế cơ hội thành công; đặc biệt là do sự sụt giảm lớn số người tìm việc đến từ những người được xếp loại ốm đau lâu năm và những người trên 50 tuổi có khả năng nghỉ hưu sớm./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/imf-co-nhan-dinh-dung-ve-nen-kinh-te-anh/279697.html