IMF đánh giá về đợt phân bổ Quyền Rút vốn đặc biệt lớn nhất từ trước đến nay
Việc phân bổ số tiền nói trên là cơ chế rất hữu ích và quan trọng, giúp các nước trên thế giới tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi về tài chính và kinh tế, trong và sau đại dịch COVID-19.
Ngày 30/8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết số tiền phân bổ dành cho Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD mà cơ quan này thông qua hồi tháng 8/2021 đã giúp các nước đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây là mức phân bổ nguồn lực lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này.
Trong báo cáo dài 45 trang, IMF kết luận việc phân bổ nguồn tài sản dự trữ quốc tế này đã đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên của IMF. Đặc biệt, nguồn tài chính này đã làm tăng thêm trung bình 23% tài sản dự trữ của các nước thu nhập thấp và tăng thêm tới 40% tài sản dự trữ của các nước Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
Theo Giám đốc bộ phận tài chính của IMF Bernard Lauwers và người đứng đầu bộ phận hoạch định chiến lược của IMF Ceyla Pazarbasioglu, việc phân bổ số tiền nói trên là cơ chế rất hữu ích và quan trọng, giúp các nước trên thế giới tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi về tài chính và kinh tế, trong và sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hai quan chức này cảnh báo cộng đồng quốc tế cần thận trọng trong việc phân bổ dạng tài sản dự trữ quốc tế này trong tương lai, nhất là khi môi trường kinh tế của nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát và lãi suất cao.
Theo báo cáo, cho đến nay, 29 nước thành viên đã cam kết đóng góp tổng cộng 103,4 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt nói trên. Số tiền này được đưa vào 2 loại quỹ tín dụng của IMF, để phân bổ cho các nước thu nhập thấp và trung bình đang gặp khó khăn và thách thức về kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng các nước thành viên cần nỗ lực biến cam kết thành hành động thực chất, qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa cam kết và số tiền đóng góp trên thực tế./.