IMF dự báo nền kinh tế Nga tăng trưởng khoảng 3,2% năm 2024

Theo IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển lớn trong năm nay, bao gồm cả Mỹ, nhờ vào đầu tư cao và tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ.

Theo báo cáo kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 16/4, đánh giá nền kinh tế Nga trong bối cảnh thời chiến có thể tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm 2024. Đây là tốc độ tăng trưởng bỏ xa mức dự báo ở các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ (2,7%), Đức (0,2%), Anh (0,5%) và Nhật Bản (0,9%). Tốc độ tăng trưởng tăng cao của nền kinh tế Nga có liên quan đến tác động của "đầu tư cao" và "tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ" nhờ tăng trưởng tiền lương trong thị trường lao động thắt chặt, mặc dù IMF cho biết tổ chức này dự kiến những tác động này sẽ giảm dần vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng ở mức 1,8%. Trong khi đó, khi các công ty nước ngoài rời khỏi Nga trong bối cảnh chiến tranh, Moscow đã tích lũy vốn từ các công ty đang chạy trốn, thu giữ 387 triệu USD tính đến giữa tháng 3, thông qua các yêu cầu đối tác đền bù hợp đồng hoặc thanh lý tài sản trước khi rút khỏi Nga. Trong thương mại năng lượng, việc xuất khẩu dầu và hàng hóa bền vững sang các thị trường lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với việc Nga vượt qua giới hạn giá dầu của các nước G-7, đã giúp nước này duy trì xuất khẩu năng lượng mạnh mẽ.
Khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây được cho là chủ yếu bắt nguồn từ liên minh khăng khít của nước này với Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu giữa Nga và Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, một phần là do Bắc Kinh tìm kiếm các mặt hàng thiết yếu giảm giá của Nga trong bối cảnh phương Tây ngừng giao thương với Moscow. Theo trang Business Insider, dự báo trên của IMF là lời cảnh tỉnh đối với các nước phương Tây đang hy vọng bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Mức độ tăng trưởng cao cũng củng cố thêm tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng, nền kinh tế Nga đã chịu đựng được những tác động khủng khiếp nhất của các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây.

Thùy Dương

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/imf-du-bao-nen-kinh-te-nga-tang-truong-khoang-32-nam-2024-119869.htm