IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dưới 3%, sự phục hồi mạnh mẽ 'khó nắm bắt'

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 3% vào năm 2023 và duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới, đánh dấu những rủi ro suy giảm gia tăng. Đây là dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất của tổ chức cho vay toàn cầu kể từ năm 1990, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% được thấy trong hai thập kỷ qua.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva tham dự một cuộc họp báo vào năm 2022. Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva tham dự một cuộc họp báo vào năm 2022. Ảnh: Reuters

Triển vọng trung hạn yếu nhất kể từ năm 1990

Phát biểu tại Washington (Mỹ) trước cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới và IMF vào tuần tới, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF cho biết, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 3% trong 5 năm tới.

Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo trung bình 3,8% trong hai thập kỷ qua và đánh dấu dự báo yếu nhất về tăng trưởng trung hạn kể từ năm 1990.

Bà cho biết đến năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu có thể sẽ tăng dưới 3%. Điều đó phù hợp với dự báo mức 2,9% được quỹ cho vay toàn cầu này đưa ra vào tháng 1.

IMF có kế hoạch phát hành một báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới chi tiết hơn vào ngày 11/4 tới như một phần của Cuộc họp mùa xuân được tổ chức cùng với Ngân hàng Thế giới.

Theo IMF, khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đè nặng lên nhu cầu, làm chậm hoạt động kinh tế ở Mỹ và khu vực đồng Euro.

Trong những thập kỷ trước, toàn cầu hóa đã giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng và kéo hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, với chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng và các thị trường lớn mới nổi như Trung Quốc hiện đã phát triển hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại. Làm nổi bật một chủ đề có thể xảy ra trong các cuộc họp vào tuần tới, giám đốc điều hành của quỹ cho biết những trở ngại chính đối với tăng trưởng là sự phân mảnh kinh tế gia tăng và căng thẳng địa chính trị.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu và đang thúc đẩy nạn đói trên khắp thế giới. “Con đường trở lại tăng trưởng mạnh mẽ rất gập ghềnh và đầy sương mù, và những sợi dây gắn kết chúng ta với nhau bây giờ có thể yếu hơn so với chỉ vài năm trước” - bà Kristalina Georgieva nói thêm.

Triển vọng yếu hơn sẽ khiến “việc giảm nghèo, chữa lành những vết sẹo kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid và mang lại những cơ hội mới, tốt hơn cho tất cả mọi người càng khó khăn hơn”.

Trong các quý tới, IMF đang ủng hộ các lời kêu gọi từ OECD và các tổ chức quốc tế khác để các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì lãi suất cao. Georgieva cho biết, đánh bại lạm phát là nền tảng quan trọng để hoạt động kinh tế trung hạn tốt hơn.

Theo IMF, sự gián đoạn đối với thương mại, công nghệ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 12% GDP đối với một số quốc gia.

Theo IMF, sự gián đoạn đối với thương mại, công nghệ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 12% GDP đối với một số quốc gia.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Credit Suisse “đã bộc lộ những thất bại trong quản lý rủi ro tại các ngân hàng cụ thể, cũng như những sai sót trong giám sát” - bà cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Các nhà hoạch định chính sách đã hành động rất nhanh chóng và toàn diện trong những tuần gần đây”.

Nếu hệ thống ngân hàng trở nên bất ổn, nên được giải quyết bởi các ngân hàng trung ương cung cấp thanh khoản dồi dào cho các ngân hàng gặp khó khăn về vốn, Kristalina Georgieva nói. Song nếu tình trạng hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn, bà thừa nhận rằng các cơ quan quản lý tiền tệ có thể phải từ bỏ lập trường đó và cắt giảm lãi suất. Nếu điều này xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với “sự đánh đổi khó khăn giữa mục tiêu lạm phát và ổn định tài chính cũng như việc sử dụng các công cụ tương ứng của họ” - bà nói.

"Bây giờ không phải là lúc để tự mãn"

Tuần tới, các nhà hoạch định chính sách sẽ hội tụ về Washington trong các phiên họp tập trung vào nhiều thách thức toàn cầu, từ nợ không bền vững ở các quốc gia đang phát triển đến lạm phát và biến đổi khí hậu.

Thông điệp rõ ràng của Georgieva được đưa ra một ngày sau khi IMF cảnh báo rằng sự phân mảnh địa chính trị, do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, với đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác ngày càng được chuyển đến các khối quốc gia liên kết.

Bà nhắc lại lời cảnh báo từ tháng giêng rằng, trạng thái phân mảnh thương mại trong thời hạn dài - bao gồm các hạn chế về di cư, dòng vốn và hợp tác quốc tế - có thể cắt giảm tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu tới 7%, tương đương với tổng sản lượng hàng năm của Đức và Nhật Bản, hoặc khoảng 7 nghìn tỷ USD. Georgieva cho biết, sự gián đoạn đối với thương mại, công nghệ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 12% GDP đối với một số quốc gia.

Tăng trưởng toàn cầu giảm gần một nửa xuống còn 3,4% vào năm 2022 sau cú sốc về cuộc xung đột của Nga và Ukraine so với mức phục hồi 6,1% vào năm 2021.

Georgieva cho biết Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm một nửa tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023, nhưng khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm trong năm nay.

Lạm phát xoắn ốc

Cuộc xung đột của Nga với Ukraine năm ngoái đã khiến lạm phát vốn rất cao ở nhiều quốc gia đã tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Georgieva kêu gọi các quốc gia thực tế trong việc tăng cường chuỗi cung ứng. Bà cũng lặp lại lời kêu gọi các thành viên IMF giảm nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn và đóng góp quỹ tín thác cho các quốc gia nghèo nhất đang thiếu hàng tỷ đô la.

Bà cho biết, các nước có thu nhập thấp, chịu gánh nặng bởi chi phí đi vay cao hơn và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ suy yếu, sẽ chứng kiến mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi.

Giám đốc IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát chừng nào áp lực tài chính vẫn còn hạn chế, nhưng giải quyết các rủi ro về ổn định tài chính khi chúng xuất hiện thông qua việc cung cấp thanh khoản phù hợp.

Kristalina Georgieva cũng nói rằng những thất bại của các ngân hàng gần đây ở Thụy Sỹ và Mỹ đã bộc lộ những thất bại trong quản lý rủi ro tại một số ngân hàng cụ thể và những sai sót trong giám sát.

“Điều quan trọng là giám sát cẩn thận rủi ro trong các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, cũng như những điểm yếu trong các lĩnh vực như bất động sản thương mại” - bà nói và thêm: "Bây giờ không phải là lúc để tự mãn".

Bà nói: “Rõ ràng là rủi ro lạm phát đã tăng lên. Giờ đây, chúng tôi nhận thấy một số rủi ro trong lĩnh vực tài chính bị phơi bày nhiều hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng bà “hoàn toàn tin tưởng” các ngân hàng trung ương và các tổ chức có liên quan khác rất cảnh giác với những mối nguy hiểm.

Bà cho biết, trong khi các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng nhanh chóng trước những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực này, thì vẫn còn những lo ngại về các lỗ hổng "ẩn" tiềm ẩn tại các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng.

Để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng và năng suất, Georgieva kêu gọi thực hiện các bước thay đổi lớn, bao gồm chi tiêu ước tính 1 nghìn tỷ USD mỗi năm cho năng lượng tái tạo và các động thái để tránh sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu, vốn có thể làm giảm tới 7% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Bà nhấn mạnh, việc tách rời công nghệ có thể khiến một số quốc gia chịu tổn thất lên tới 12% GDP./.

Hoàng Lê (theo Bloomberg/The Financial Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/imf-du-bao-tang-truong-kinh-te-toan-cau-nam-2023-duoi-3-su-phuc-hoi-manh-me-kho-nam-bat-125179.html