IMF, ECB và các ngân hàng trung ương xoay sở giữa tâm bão thương mại
IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump trong khi ECB cắt giảm lãi suất lần thứ sáu. WTO đánh giá nếu cuộc tấn công thuế quan leo thang, nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 7% trong dài hạn.

Ngày 18/4/2025, Viện Kinh tế Đức (IW) cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Đức thất thu tới 290 tỷ euro (330 tỷ USD) trong 4 năm từ 2025-2028. Trong ảnh, dây chuyền sản xuất xe ô tô Mercedes-Maybach ở Sindelfingen, gần Stuttgart, Đức ngày 4/3/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Bất ổn về chính sách thương mại đạt đến mức chưa từng có
Theo tờ El Pais, căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng không còn là mối quan tâm bên lề mà đã trở thành vấn đề trọng tâm đối với các hội đồng ra quyết định của các ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế đa phương. Cuộc leo thang thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến một vòng xoáy có thể thay đổi trật tự thế giới: một cuộc chiến thương mại có tác động mang tính hệ thống, có khả năng thay đổi dòng vốn, chuỗi cung ứng và dự báo lạm phát.
Đối mặt với viễn cảnh mới này, các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các ngân hàng trung ương đã bắt đầu xem xét lại dự báo tăng trưởng của họ, đồng thời thiết kế lại các chính sách và kế hoạch mà dường như không thể chạm tới mới vài tuần trước.
Sổ tay kinh tế quốc tế hiện có các quy tắc khó dự đoán hơn, khiến việc hiệu chỉnh lại các chiến lược theo thời gian thực trở nên cần thiết. Ngay cả WTO, vốn theo truyền thống tách biệt khỏi động lực tiền tệ, cũng đang cảnh báo về một môi trường ngày càng phân mảnh, đe dọa làm mờ đi khuôn khổ hợp tác toàn cầu và làm suy yếu trao đổi hàng hóa và tăng trưởng kinh tế.
Trong phần mở đầu cho cuộc họp do IMF tổ chức vào tuần tới, trong đó các dự báo kinh tế vĩ mô cũng sẽ được điều chỉnh, tổ chức này đã thông báo vào ngày 17/4 rằng sẽ có một làn sóng "hạ cấp đáng kể" trong các dự báo tăng trưởng của nhiều quốc gia. Hiện tại, quỹ này loại trừ khả năng suy thoái, nhưng vẫn khẳng định, dự báo lạm phát sẽ có những đợt tăng.
“Sự bất ổn về chính sách thương mại đã đạt đến mức chưa từng có”, giám đốc điều hành của IMF, Kristalina Georgieva, giải thích trong bài phát biểu báo trước lập trường chính thức của tổ chức. Chính trị gia và nhà kinh tế người Bulgaria cảnh báo rằng, sự bất ổn kéo dài làm tăng nguy cơ căng thẳng trên thị trường tài chính, như đã thấy với đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Những thay đổi này nên được coi là một lời cảnh báo”, bà Georgieva nói, “Nếu điều kiện tài chính trở nên tồi tệ hơn, mọi người đều phải chịu thiệt hại”. Bà nói thêm rằng sự bất ổn kéo dài càng lâu thì chi phí cho nền kinh tế toàn cầu càng lớn, mặc dù bà tránh đề cập cụ thể đến Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phát biểu tại trụ sở chính của tổ chức ở Washington, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga gần đây đã cảnh báo rằng những biến động và bất ổn kinh tế lớn hơn sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới. “Căng thẳng thương mại đang khiến các tác nhân kinh tế thận trọng hơn, điều này có thể làm chậm lại các khoản đầu tư và quyết định mua sắm của các công ty và hộ gia đình”, ông Banga cho biết sau khi kêu gọi các quốc gia ngồi lại và đàm phán càng sớm càng tốt để thiết lập một khuôn khổ thương mại rõ ràng và lâu dài.
Đàm phán thuế quan chưa rõ ràng
Tình hình đang báo động và có thể leo thang hơn nữa. Sau khi tuyên bố mức thuế chung toàn cầu là 10% và một loạt các mức thuế bổ sung cho các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn hơn, Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày để đàm phán với gần 70 chính phủ. Quốc gia duy nhất đứng ngoài khoảng thời gian này là Trung Quốc sau khi Bắc Kinh có những động thái đáp trả tương xứng.
Về phía Mỹ, cho đến nay, các cuộc họp với các quốc gia khác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Carlos Cuerpo vừa gặp người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Một cuộc họp giữa Nhật Bản và Mỹ không đạt được thỏa thuận nào. Và ngày 17/4, ông Trump đã gặp gỡ Thủ tướng Italy, Giorgia Meloni - cuộc họp đầu tiên với một nhà lãnh đạo EU kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công thương mại, với lời hứa mơ hồ về một số loại thỏa thuận trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng ngày 17/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Do không có quy tắc rõ ràng và chính sách liên tục thay đổi, các tổ chức đa phương và ngân hàng trung ương đang phải thận trọng, áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và xem xét, mặc dù họ đã bắt đầu đưa ra các kịch bản và định hướng lại chính sách tiền tệ.
Chính sách tiền tệ phân hóa: Mỹ cẩn trọng, châu Âu hành động
Lập trường bảo hộ của Mỹ đã thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất lần thứ sáu liên tiếp, xuống còn 2,25%, trong nỗ lực chống lại tác động kinh tế tiêu cực của thuế quan.
Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy khu vực đồng euro đang phải đối mặt với giai đoạn tăng trưởng trì trệ, phù hợp với dự báo chung của IMF.
Chủ tịch IMF, bà Christine Lagarde, đã thừa nhận rằng bức tranh toàn cảnh đang được định hình bởi "sự bất ổn đặc biệt" và sự gia tăng các tranh chấp về thuế quan đe dọa làm giảm thêm xuất khẩu, một trong những động lực chính của nền kinh tế châu Âu, do đó "triển vọng tăng trưởng đã xấu đi".
“Giọng điệu” u ám của IMF đã làm lu mờ mọi tác động tích cực mà việc cắt giảm lãi suất có thể mang lại cho thị trường chứng khoán. Trái ngược với phản ứng thông thường đối với chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn, tất cả các thị trường đều giảm. Ibex 35 (Tây Ban Nha) đóng cửa giảm 0,19%, Dax của Đức giảm 0,53%, trong khi thị trường chứng khoán Pháp và Euro Stoxx 50 giảm hơn 0,6%. Mib của Italy giảm 0,24%.
Mặc dù việc cắt giảm lãi suất không thúc đẩy thị trường chứng khoán, nhưng nó đã củng cố thêm sự khác biệt giữa các chính sách tiền tệ của châu Âu và Mỹ, nơi Cục Dự trữ Liên bang đang thận trọng hơn nhiều với việc cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Jerome Powell vừa nhấn mạnh vào rủi ro lạm phát của thuế quan do Nhà Trắng áp đặt và đang chờ đợi "sự rõ ràng" hơn từ ông Trump trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào liên quan đến lãi suất.

Các mặt hàng được niêm yết giảm giá tại một cửa hàng ở Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà phân tích coi lời nói của ông là lời xác nhận rằng Fed sẽ không có động thái nào tại cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 5 và việc cắt giảm 0,25 điểm sẽ không diễn ra sớm nhất là vào tháng 6.
Trong khi ECB đã cắt giảm lãi suất 1,75 điểm phần trăm kể từ tháng 6 năm ngoái, Fed chỉ cắt giảm 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9 và duy trì lập trường kiềm chế hơn kể từ tháng 12/2024. Sự khác biệt này chủ yếu là do các đề xuất bảo hộ của ông Trump mang lại rủi ro lạm phát.
Ngược lại, châu Âu đang vật lộn với tác động của cuộc xung đột ở Ukraine và sự phụ thuộc lớn hơn vào thương mại nước ngoài. Sự mạnh lên gần đây của đồng euro và giá dầu giảm cũng đang góp phần làm chậm lại lạm phát ở khu vực đồng euro. Với mức thuế đã áp dụng, khối này phải đối mặt với các khoản thuế đáng kể, chẳng hạn như 25% đối với thép, nhôm và ngành công nghiệp ô tô.
WTO, tổ chức điều chỉnh các quy tắc thương mại, cũng đã đánh giá lại bối cảnh kinh tế. Tổ chức do ông Ngozi Okonjo-Iweala, người Nigeria làm chủ tịch, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa gần 3 điểm, từ mức tăng ban đầu là 2,7% xuống mức giảm 0,2% vào năm 2025. Nói cách khác, nếu cuộc tấn công thuế quan tăng cường, mức giảm sẽ là 1,5% trong năm nay và nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 7% trong dài hạn.