IMF: Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc chưa kết thúc
Trong báo cáo ngày 3/2, ông Thomas Helbling, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IMF, nhận định chính phủ Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn để có thể khắc phục được các vấn đề trong ngành bất động sản của mình.
Kể từ đại dịch Covid-19, ngành bất động sản tại Trung Quốc đã chịu nhiều biến động sâu sắc, đặc biệt là cuộc khủng hoảng vỡ nợ được khởi nguồn từ một dự án bị đình trệ của tập đoàn Evergrande.
Trong báo cáo mới nhất của mình ngày 3/2, IMF cũng cho biết một phần đáng kể các nhà đầu tư vào trái phiếu của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 11/2022, các nhà phát triển đã vỡ nợ hoặc có khả năng vỡ nợ với giá trái phiếu trung bình thấp hơn 40% mệnh giá chiếm tới 38% thị phần năm 2020 của các công ty có sẵn định giá trái phiếu.
Sự thu hẹp của ngành địa ốc dẫn đến doanh thu bán đất của chính quyền địa phương giảm. Doanh thu bán đất giảm tiếp tục làm giảm khả năng tài chính của chính quyền, trong khi các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) vốn có mục đích làm tăng lượng mua đất.
Để cải thiện tình hình, chính phủ nước này đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ như nới lỏng các hạn chế về tài chính. Theo nhận định của ông Thomas Helbling được CNBC trích dẫn, các biện pháp chính sách gần đây của các nhà chức trách được hoan nghênh. Tuy nhiên theo quan điểm của IMF, Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa và quyết liệt hơn nữa để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản.
Ông giải thích nhiều biện pháp của chính phủ giúp giải quyết các vấn đề tài chính cho các tập đoàn bất động sản vốn không ở tình thế quá khó khăn trong khi các tập đoàn gặp vấn đề về tài chính nghiêm trọng lại chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề về lượng lớn nhà ở chưa được hoàn thành cũng chưa được giải quyết.
Thông thường, các căn hộ ở Trung Quốc được bán cho người mua nhà trước khi hoàn thành. Tuy nhiên do đại dịch Covid-19 và những khó khăn tài chính làm chậm quá trình xây dựng, có nhiều người mua nhà đã tạm dừng thanh toán thế chấp vào mùa hè năm 2022 để bày tỏ sự phản đối của mình.
Chính quyền Trung Quốc sau đó đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc giúp đỡ các nhà phát triển hoàn thành việc xây dựng những căn hộ đã bán. Tuy nhiên, diện tích sàn các căn hộ được bán ở Trung Quốc vẫn giảm gần 27% trong khi đầu tư bất động sản giảm 10%, theo số liệu chính thức năm 2022.
Ở một diễn biến khác, các chuyên gia Trung Quốc bao gồm ông Zhengzin Zhang và ông Xuefei Bai trong một báo cáo ngày 12/1 trước đó lại bác bỏ đánh giá của IMF. Những chuyên gia này khẳng định thị trường địa ốc của Trung Quốc vẫn hoạt động trơn tru và không ở trong tình trạng khủng hoảng, đồng thời cho biết tình hình hiện tại chính là “sự phát triển tự nhiên của quá trình “giảm đòn bẩy và cắt giảm tồn kho” trong vài năm qua.
Thêm vào đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho biết các rủi ro là cục bộ và chỉ liên quan đến các công ty riêng lẻ. Các tác động của chúng đối với phần còn lại của thế giới vì vậy là tương đối nhỏ. Trong khoảng thời gian tới, cơ quan này khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực để đảm bảo bàn giao các căn hộ đã hoàn thiện cũng như sáp nhập các nhà phát triển.