IMF lo ngại sự hồi phục của kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thị trấn Casalpusterlengo, Ý ngày 23/2/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) ngày 23/2 đã đánh giá dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) hiện nay có thể đe dọa tới đà phục hồi vốn dĩ mong manh của kinh tế thế giới.

Trong một tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm G20 diễn ra ở Riyadh, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng dù tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ đạt mức vừa phải 3,3% trong năm nay, song sự phục hồi này là mong manh. Theo đó, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và có thể đe dọa tới đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bà Georgieva thông báo với nhóm G20 rằng, kể cả trong tường hợp dịch nhanh chóng được kiểm soát, tăng trưởng tại Trung Quốc và thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động. Cụ thể, COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm % và kiềm chế tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 5,6% trong năm nay.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng Giám đốc IMF đã hối thúc các nước G20 phối hợp để kiểm soát dịch lây lan. Bà khẳng định G20 là diễn đàn quan trongj giúp kinh tế thế giới có được nền tàng vững chắc hơn.

Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Pipat Ratchakitprakan ngày 23/2 dự báo dịch COVID-19 có khả năng sẽ lắng xuống trong trong nửa đầu năm nay hoặc sớm hơn. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Pipat khi tham dự một sự kiện tại tỉnh Phatthalung, miền Nam Thái Lan nhận định rằng COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Thái Lan, nơi đón 38,9 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019 với doanh thu từ du lịch chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% GDP trong năm 2020. Theo ông Pipat, mặc dù COVID-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch Thái Lan trong nửa đầu năm song tình hình sẽ trở lại bình thường trong nửa cuối năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết Songkran (Lễ hội té nước) vào tháng Tư tới, khi mà Trung Quốc có thể sản xuất được vắcxin chống lại vi rút corona chủng mới gây bệnh COVID-19.

Ông Pipat cho rằng vi rút gây bệnh COVID-19 sẽ không chịu được nóng và tình hình ở rất nhiều nước, kể cả Thái Lan, sẽ cải thiện khi mùa hè tới. Bộ trưởng Pipat cho biết thêm Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp tài chính để giúp những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, thương mại hoặc du lịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông Iran ngày 23/2 đưa tin, Tehran đã triển khai hàng loạt biện pháp dự phòng khẩn cấp, trong đó có quyết định tạm thời đóng cửa các trường học và trung tâm văn hóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, sau khi có 8 người thiệt mạng tại đất nước Hồi giáo này.

Giới chức Iran trước đó đã quyết định đóng cửa các cơ sở giáo dục và văn hóa trong vòng một tuần tại 14 tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Tehran. Theo ông Masoud Saghafi - người phát ngôn Sở Giáo dục Tehran, quyết định này được đưa ra nhằm chuẩn bị cho công tác khử trùng và diệt khuẩn tại các trường học.

Chính phủ Iran kêu gọi tất cả các hiệu trưởng trường đại học nỗ lực duy trì bầu không khí bình tĩnh và áp dụng những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Iran cũng quyết định sẽ hủy tất cả các buổi hòa nhạc và sự kiện văn hóa khác trong vòng một tuần.

Về lĩnh vực y tế, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Iran đã ra thông báo yêu cầu các hiệu thuốc ngừng bán khẩu trang y tế, mà thay vào đó, khẩu trang sẽ được phân phối miễn phí tới người dân nước này thông qua các cơ sở do chính phủ quản lý, trong đó ưu tiên cấp phát cho các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong khi đó, Thị trưởng Tehran - ông Pirouz Hanachi thông báo, tất cả các địa điểm công cộng ở thủ đô, trong đó có dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm và xe buýt, đều đang được khử trùng hàng ngày như một phần trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây lan của COVID-19.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran đã tổ chức phiên họp với sự tham dự của Tổng thống Hassan Rouhan, nhằm thảo luận các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Bộ Y tế Iran được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình dịch bệnh và đề ra phương án cách ly bất kỳ khu vực nào trên toàn quốc trong trường hợp khẩn cấp.

Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Moscow, lo ngại trước tình trạng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nước láng giềng Iran, ngày 23/2, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Chính phủ nước này sẽ đóng cửa biên giới với Iran trong hai tuần.

Theo Thủ tướng N. Pashinyan, giao thông hàng không giữa hai nước và việc nhập cảnh của người dân qua trạm kiểm soát Meghri nằm ở biên giới với Iran sẽ bị đình chỉ. Thủ tướng N. Pashinyan cũng lưu ý rằng cuộc họp của Ủy ban phòng chống COVID-19 vào sáng 24/2 sẽ thảo luận về các hành động tiếp theo của chính phủ Armenia.

Cũng trong ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Gruzia cho biết chỉ số lây nhiễm COVID-19 cao nhất sau Trung Quốc đã được ghi nhận tại Iran. Do đó, chính phủ Gruzia đã quyết định hạn chế việc đi lại qua biên giới với Iran.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế lớn nhất kể từ khi nước này được thành lập, trong khi Hàn Quốc nâng mức cảnh báo về COVID-19 lên mức cao nhất (mức đỏ).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có 648 ca nhiễm COVID-19 và 97 ca tử vong đã được ghi nhận ở nước này tính đến sáng 23/2. Theo ủy ban trên, trong số 97 ca tử vong có 96 ca ở tỉnh Hồ Bắc và 1 ở tỉnh Quảng Đông. Như vậy tính tổng cộng, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 2.442 người tử vong do COVID-19 và 76.936 ca nhiễm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số ca nhiễm bệnh ngoài Trung Quốc đại lục duy trì mức khá thấp với tổng cộng hơn 1.200 tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, WHO bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm không có mối liên hệ dịch tễ học rõ ràng.

Giới chức Anh cho biết 4 người đã có xét nghiệm dương tính với vi rút corona chủng mới gây COVID-19 tại England ngày 23/2 sau khi rời du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama của Nhật Bản và trở về nhà.

Trong một thông báo trên mạng xã hội Twitter, Trưởng văn phòng y tế vùng England, ông Chris Whitty cho biết "có thêm 4 người tại England có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước Anh lên 13 người”. Quan chức này nêu rõ các bệnh nhân nhiễm vi rút trên tàu Diamond Princess và họ sẽ được chuyển từ bệnh viện Arrowe Park tới các trung tâm cách ly của Cơ quan y tế quốc gia (NHS).

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel xác nhận ca thứ hai nhiễm COVID-19 tại nước này là công dân thứ hai trở về nhà sau khi rời du thuyền Diamond Princess. Bộ trên khẳng định người này không lây nhiễm trong nước và bệnh nhân đang được giám sát và cách ly.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235377/imf-lo-ngai-su-hoi-phuc-cua-kinh-te-toan-cau-do-dich-covid-19.html