IMF nâng dự báo kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lên 6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất trong hàng chục năm qua. Dự báo được đưa ra trước thềm hội nghị mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Theo IMF, mức tăng trưởng dự kiến của kinh tế thế giới có được phần lớn dựa trên các gói kích thích kinh tế khổng lồ mà các nước đưa ra nhằm ứng phó tác động của đại dịch Covid-19.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lên 6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất trong hàng chục năm qua. Dự báo được đưa ra trước thềm hội nghị mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Theo IMF, mức tăng trưởng dự kiến của kinh tế thế giới có được phần lớn dựa trên các gói kích thích kinh tế khổng lồ mà các nước đưa ra nhằm ứng phó tác động của đại dịch Covid-19.

* Trong báo cáo về kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF chỉ rõ sự khác biệt lớn về triển vọng tăng trưởng giữa các nền kinh tế; cảnh báo rằng, sự chênh lệch rõ rệt này có thể là yếu tố cản trở kinh tế thế giới sớm trở lại mức tăng trưởng trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo IMF, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc phục hồi mạnh và đã trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Ðức, Pháp và Nhật Bản đều đang vật lộn với nhiều khó khăn. Các nền kinh tế mới nổi cũng có dấu hiệu cải thiện, song chưa đủ mạnh...

* Ngày 6-4, tại hội nghị mùa xuân của IMF và WB, giới chuyên gia của IMF hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xem đây là một giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số 1 thế giới. IMF cũng cho rằng, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD trước đó đã đóng góp đáng kể cho tiến trình phục hồi kinh tế và ứng phó tác động của dịch Covid-19 tại Mỹ.

* Cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã khai mạc, do Ấn Ðộ chủ trì. Hội nghị tập trung thảo luận chương trình hợp tác tài chính trong khuôn khổ BRICS, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Ấn Ðộ cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác BRICS trong ứng phó dịch Covid-19, thông qua phối hợp chính sách và tăng cường nỗ lực chung...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thegioi/imf-nang-du-bao-kinh-te-toan-cau-641257/