In 3D có thể cứu động vật hoang dã

Lớn lên tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, học viên thạc sĩ ngành điện tử Tadar Kayung rất ngưỡng mộ bộ xương hàm báo gấm nổi bật buộc vào thắt lưng của người bộ lạc Nyishi.

Và trong lễ hội thu hoạch Nyokum vào tháng 2 vừa qua, chàng thanh niên 27 tuổi cuối cùng cũng tự hào đeo một bộ. Nhưng nó không phải từ một con báo sinh sống ở dãy Himalaya bị giết mà được tạo ra bởi máy in 3D.

Đàn ông Arunachal Pradesh có truyền thống đeo xương hàm động vật để thể hiện kỹ năng săn bắn của bản thân. Đến nay, ngay cả người bình thường cũng đeo chúng với mục đích gửi đi thông điệp rằng họ “nguy hiểm” như động vật hoang dã. Cũng vì lý do này mà Kayung cũng muốn có.

Bộ trang phục của đàn ông người Nyishi - Ảnh: ARUNACHAL IVORY AND ORNAMENTS

Bộ trang phục của đàn ông người Nyishi - Ảnh: ARUNACHAL IVORY AND ORNAMENTS

Xương hàm báo gấm là một trong số nhiều bộ phận động vật mà công ty khởi nghiệp Arunachal Ivory and Ornaments (AIO) sản xuất tại thị trấn Yupia, bên cạnh xương hàm hổ, mỏ chim mỏ sừng, móng vuốt đại bàng. Tất cả đều in 3D. Công ty muốn góp sức giảm nạn săn bắt các loài bị ít nhất 26 nhóm bộ lạc trên khắp Arunachal Pradesh nhắm đến. Với các nhóm này, bộ phận động vật mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Ví dụ mỏ chim mỏ sừng tượng trưng cho nam tính và sức sống, xương hàm hổ hoặc báo gấm tượng trưng cho địa vị xã hội.

Trong một lần trò chuyện với vợ mình là nhà nghiên cứu lịch sử Likha Nana về trang phục truyền thống Nyishi, đồng sáng lập AIO Nabam Bapu biết được muốn hoàn thành một bộ trang phục cần phải giết 5 - 6 con vật. Nhưng hai người cũng nhận ra không thể nào yêu cầu các bộ lạc từ bỏ trang phục truyền thống. Do đó họ quyết định thành lập AIO.

Công ty ra mắt sản phẩm đầu tiên - xương hàm báo gấm in 3D - vào tháng 6.2023. Kể từ đó họ bán được hơn 10.000 bản sao. Chúng chủ yếu được làm bằng polymer thân thiện với môi trường nguồn gốc thực vật. Ông Bapu cho biết sản phẩm in 3D có giá từ 3.000 - 5.000 rupee, trong khi hàng thật bán ở chợ đen có giá lên đến 300.000 rupee. Dây đeo vai, vỏ dao rựa, túi đeo vai từ da lẫn lông nhân tạo đang được AIO sản xuất.

Xương hàm báo gấm in 3D - Ảnh: ARUNACHAL IVORY AND ORNAMENTS

Xương hàm báo gấm in 3D - Ảnh: ARUNACHAL IVORY AND ORNAMENTS

Đây không phải nỗ lực thay thế bộ phận động vật đầu tiên. Đầu những năm 2000, vài tổ chức phi lợi nhuận như Wildlife Trust of India (WTI) và World Wide Fund for Nature India đã ra mắt mỏ chim mỏ sừng bằng sợi thủy tinh. Sáng kiến khá thành công, nhiều người dân tự nguyện giao nộp mỏ chim thật cho chính quyền. Một nghiên cứu năm 2015 ghi nhận 43% người Nyishi được hỏi sẵn sàng sử dụng “hàng giả”.

Theo ông Bapu, dân địa phương không phản kháng sự thay đổi nhưng trước đó họ thiếu lựa chọn thay thế. Sinh viên Kayung cho biết nếu có lựa chọn tốt như hàng thật thì chẳng còn lý do gì để mua hàng thật cả.

Một số tập tục khác, chẳng hạn pháp sư vẫn đòi hỏi sử dụng bộ phận động vật thật vì họ tin rằng chúng chứa sức mạnh tâm linh. May mắn là nhu cầu từ pháp sư chỉ chiếm phần nhỏ.

Sản phẩm in 3D cũng giống đến nỗi khiến giới chức trách bối rối. Lúc đầu AIO bị lực lượng bảo vệ động vật hoang dã giám sát rất chặt chẽ, công ty giải quyết vấn đề bằng cách in nổi logo trên sản phẩm.

Tuy nhiên làm vậy chẳng giúp ích nhiều. Tiến sĩ Damodhar A.T (người phụ trách bảo tồn rừng tại Arunachal Pradesh) cho biết hoàn toàn có khả năng logo được in lên hàng thật để giả dạng. Ông hy vọng về lâu dài cộng đồng địa phương sẽ từ bỏ cả hàng thật lẫn “hàng giả”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/in-3d-co-the-cuu-dong-vat-hoang-da-231666.html