In dấu trăm năm

Có những cung đường quen thuộc đến mức trong đầu không suy nghĩ nhưng vẫn đi trong vô thức, đó chính còn đường xuyên rừng cao su về nhà tôi. Mỗi lần đón con tan trường, tôi thường đi tắt con đường ấy vì muốn tận hưởng bóng râm của rừng cao su bạt ngàn, để tránh cảnh tắc đường, kẹt xe, xa lánh những âm thanh huyên náo ngoài kia.

Nhân chứng của một giai đoạn lịch sử

Con đường tôi đã đi qua biết bao lần vào những buổi sớm mai, những chiều hoàng hôn tắt nắng, khi những tia nắng len lỏi trong đám lá lăn mình xuống nền đất đỏ bazan, những giọt nắng hòa cùng hạt bụi của con đường đất đỏ làm nên khung cảnh huyền bí. Cậu con trai ngồi sau thích thú khi ngắm chiếc lá vàng rơi xoay xoay trong gió. Bất chợt con hỏi: “Mẹ ơi! Tại sao cây cao su không rụng lá vào mùa thu, mà lại rụng lá khi mùa xuân về”. Tôi giật mình trước câu hỏi của con, bởi xưa nay tôi chưa từng thắc mắc, dù hàng ngày tôi vẫn đi ngang qua khu rừng này. Và từ đó tôi đi trong rừng cao su, tôi tự đặt ra muôn vàn câu hỏi, tự tìm cho mình những câu trả lời.

Gốc cây in dấu thời gian.

Gốc cây in dấu thời gian.

Với tôi, cây cao su chẳng khác gì cuộc đời của một con người với đầy những thăng trầm bão giông. Trước khi bén duyên với vùng đất đỏ bazan Đông Nam bộ này, nguồn gốc của cây ở tận rừng Amazon xa xôi, nơi đất thổ dân Mainas nhìn thấy đặc điểm của loại cây chảy ra chất nhựa màu trắng nên gọi là “caouchouk”- nước mắt của cây. Cây cao su chắt chiu bao nắng, gió, mưa, cắm sâu rễ vào lòng đất để tích tụ, chuyển hóa những tinh hoa và hiến dâng cho đời “vàng trắng” qua từng dòng “nước mắt” chảy ra, chảy cho đến khi cây kiệt quệ. Con người ta cũng thế, để tạo cho mình giá trị riêng luôn phải đánh đổi bằng thời gian, công sức, bằng những tháng ngày trải qua những gian nan nếm mật nằm gai.

Mỗi cây đều có số phận riêng, đặc điểm riêng, nhưng lận đận như cao su đến với Việt Nam lắm gian nan. Sau khi thấy cây cao su được trồng thành công ở Singapore và Indonesia, cây cao su đầu tiên đến nước ta đã được ươm giống ở Thảo Cầm Viên, tuy nhiên chúng đã không nảy mầm. Đồn điền Suzanne Cazeau ở Dầu Giây là nơi người Pháp trồng thử nghiệm 700 cây cao su trên diện tích 8,02ha. Giống cây cao su được trồng ở đây được gọi là giống “Seedling”, có nghĩa là hạt giống thập phương từ các nước Sri Lanka, Malaysia, Indonesia mang về. Cây cao su đã nảy mầm, vươn cao ở vùng đất “sương lam chướng khí” của miền Đông, sau đó lan rộng ra khắp nơi ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Trải qua bao vô thường, hiện nay vườn cao su hơn một trăm năm tuổi vẫn còn đó như nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của những người mộ phu cao su, như những hạt giống đỏ nảy mầm trong đau thương và uất hận dưới tán rừng cao su.

Nhà tôi ở ngay Thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, hàng ngày đi chợ Phan Bội Châu qua vườn cao su trăm năm tuổi, nhưng tôi không mấy để ý. Cho đến khi tôi theo chân người bạn được chú Trần Hùng, nguyên cán bộ Nông trường cao su Bình Lộc dẫn chúng tôi vào thăm vườn cao su trăm năm tuổi, tôi mới ngơ ngác, bất ngờ và cảm thấy nơi đây thật thú vị. Vườn cao su có hình chữ nhật với tổng chu vi khoảng 2.000m với diện tích 8,2ha. Vườn được chia ra làm hai thửa, thửa bên trái chia làm 6 ô, thửa bên phải chia làm hai ô.

Khi tôi bước chân vào vườn cao su trăm năm tuổi, tận tay sờ vào những gốc cây xù xì, mốc meo của những cụ cây. Tôi cảm nhận mỗi cụ cây như minh chứng sống động cho giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của những người phu cao su như những hạt giống đỏ nảy mầm trong đau thương và uất hận dưới những tán cây đang rì rào trong gió. Trăm năm, người trồng cũng như những lớp người chăm sóc cây lúc còn non nớt đã thành thiên cổ. Riêng cây, dù đã qua giai đoạn trưởng thành và giờ già nua nhưng vẫn căng nhựa sống nhờ được bảo tồn và chăm sóc chu đáo.

Mối lương duyên: Cao su - đất đỏ

Một lần khác, anh Trần Luyến, chuyên viên phòng Nội vụ huyện, nguyên cán bộ Nông trường cao su Đồng Nai, là người gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Dầu Giây thân yêu đã hào hứng giới thiệu cho tôi về khu vườn bảo tồn đặc biệt này. Hiện nay trong vườn cao su còn khoảng 300 cây cao su được đánh số từ 01 đến 343 được trồng năm 1906. Những “cụ” cao su đặc biệt ở chỗ được trồng từ hạt của những cây đầu tiên không qua lai ghép. Và những hạt giống này được chọn lựa từ nhiều nguồn khác nhau. Có những hạt được chọn lựa từ đồn điền Bellanh Phú Nhuận, có những hạt do kỹ sư người Pháp tên là Seligmann cung cấp. Chính vì vậy, khi đến tham quan khu vườn bảo tồn, chúng ta sẽ thấy có sự khác nhau giữa các “cụ” cây, không có sự đồng nhất về chiều cao, đường kính.

Chỉ lên những vết chằng chịt trên thân các “cụ” cây, anh Luyến giải thích thêm: “Năm 1992, những cây cao su Lô số 49 bắt đầu cung cấp “vàng” trắng. Ban đầu, công ty Suzannah áp dụng cách làm của Malaysia, đó là cạo theo đường xương cá”. Tôi để ý theo tay anh Luyến chỉ thấy trên cây có 5-6 miệng còn chồng lên nhau. Nhưng cách cạo ấy khiến các cây cao su không phát triển được nên họ thay đổi phương thức cạo mủ với miệng cạo duy nhất trên một nửa hoặc 1/3 cây. Nếu nhìn kỹ trên thân những cụ cao su, ở đó vẫn hằn in những vết thương chằng chịt, có nông, có sâu, có vết lành và có những vết sẹo mãi mãi đi theo thời gian chẳng thể xóa nhòa.

Vẻ đẹp của vườn cao su hơn trăm năm tuổi.

Vẻ đẹp của vườn cao su hơn trăm năm tuổi.

Đứng trước gốc cây mục rỗng, chúng tôi thở dài tiếc nuối. Anh Luyến nói cứ sau 3 năm sẽ có một cây ra đi vì lẽ vô thường, vì những khắc nghiệt của thiên nhiên. Chính vì đứng trước nguy cơ bị mai một, năm 1980, lãnh đạo đơn vị quản lý vườn cao su đã có lệnh ngưng khai thác mủ để chăm sóc bảo quản hiện trạng. Đến năm 1994, nông trường cao su mới bắt đầu dặm thêm một số cây cao su giống PB235. Đến năm 1998, Công ty cao su Đồng Nai đã tách 8,02 ha cao su lô 9 làm vườn cao su bảo tồn và lập chốt bảo vệ và có chế độ theo dõi, chăm sóc. Sau đó, tỉnh Đồng Nai lập lô 9 cao su này thành di tích cấp tỉnh vào năm 2009. Năm 2015, công ty cao su cũng cho phục dựng lại căn nhà của phu công tra ngay trong khu bảo tồn. Căn nhà mô phỏng theo nguyên mẫu cùng các vật dụng được trưng bày, tái hiện cảnh sinh hoạt hàng ngày của công nhân cao su thời xưa.

Tôi đi thật chậm trong khu vườn cao su trăm năm. Tôi chợt nghĩ, nếu hỏi loài cây nào có khả năng chữa lành nhanh nhất. Tôi không ngần ngại suy đoán rằng đó là “cây cao su”. Bởi đến một ngày khi vùng đất đỏ bừng ánh nắng mai, ngước mắt nhìn lên những đám lá vàng ruộm đang xòe trong nắng chỉ đợi cơn gió mát lành, từng chiếc lá sẽ rơi rơi trong gió. Mùa cao su rụng lá. Mùa cao su rũ những nhọc nhằn để tái sinh. Trước khi những chiếc lá xa cành, chúng cũng rực lên một màu đỏ huy hoàng. Từng chiếc lá rơi rơi đáp xuống nền đất đỏ. Những chiếc lá ấy sẽ hòa cùng với mưa và tự phân hủy, cung cấp lại cho cây một nguồn dinh dưỡng. Cuộc sống vốn là vòng tuần hoàn, thiên nhiên vốn quay theo một vòng tuần hoàn.

Mùa này cây cao su không còn đớn đau, mùa này cây cao su không phải chảy những giọt nước mắt trắng ngần. Hằn in trên thân cây bây giờ chỉ còn lại dòng chảy cô đặc một màu nâu quánh. Những chiếc bát đựng mủ nằm im lìm. Những thân cây vẫn lêu nghêu đứng đó, vẫn ngạo nghễ vươn thẳng mình trong nắng mai. Cao su chỉ có ba tháng để chữa lành vết thương. Cây vẫn lặng lẽ bám chặt rễ vào tận sâu trong lòng đất đỏ bazan, tiếp tục hành trình chữa lành.

Khi chiếc lá vàng cuối cùng trên cây lìa cành, vài ngày sau trên những thân cây khẳng khiu ấy đã có chồi non xanh mơn mởn tua tủa vươn mình đón nắng, gió, sương. Nếu bạn đi quá lâu trong rừng cao su bạn dễ nhận ra. Mùa hoa cao su đến nhanh hơn các loài cây khác. Sau những chồi non xanh mơn man trên cành, một trời hoa cao su như đám mây vàng giăng khắp lối. Hoa cao su không thơm nồng nàn, thơm hiền dịu. Mật hoa rất đặc trưng, vì vậy những người nông dân đã tận dụng để nuôi ong lấy mật vào mùa hoa nở. Mật ong cao su thường có màu vàng nhạt, có mùi thơm ngọt dịu.

Đứng trước cây cao su đã hơn trăm năm tuổi, nhìn sự già nua nhuốm màu thời gian nhưng cây vẫn hiên ngang và căng nhựa sống cùng vạn vật, tồn tại giữa cõi nhân sinh nở rồi tàn. Tôi chợt nghĩ: Cao su và đất đỏ. Hẳn đó là một mối lương duyên.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/in-dau-tram-nam-i732798/