Indonesia cân nhắc nhập khẩu lúa mì làm thức ăn chăn nuôi
Việc mua lúa mì chỉ được thực hiện khi nguồn cung ngô trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Khi đó lúa mì sẽ là một lựa chọn thay thế để làm thức ăn chăn nuôi, vì giá cả phải chăng.
Theo Bộ trưởng Điều phối Thực phẩm Indonesia - Zulkifli Hasan, chính phủ nước này đang xem xét nhập khẩu lúa mì để làm thức ăn chăn nuôi thay thế ngô.
Tuy nhiên, việc mua lúa mì chỉ được thực hiện khi nguồn cung ngô trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Khi đó lúa mì sẽ là một lựa chọn thay thế để làm thức ăn chăn nuôi, vì giá cả phải chăng.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Indonesia, nước này đã nhập khẩu ngô trong nhiều năm, với khối lượng từ 1,3-1,4 triệu tấn từ năm 2019-2023, và tìm cách duy trì mức giá phải chăng cho người nông dân chăn nuôi gà.
Năm 2024, chính phủ đã quyết định cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu ngô, muối và đường nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và dần hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp. Hạn ngạch nhập khẩu đối với ba mặt hàng này sẽ thấp hơn nhiều so với nhu cầu dự kiến của các ngành trong nước, để khuyến khích các ngành này sử dụng nguyên liệu đầu vào được sản xuất trong nước nhiều hơn.
Tổng sản lượng ngô năm 2025 của Indonesia được dự báo sẽ đạt 16,7 triệu tấn, lớn hơn so với nhu cầu trong nước là 13 triệu tấn. Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) ước tính sản lượng ngô tăng lên 15,2 tấn vào năm 2024, từ mức 14,7 tấn của năm 2023.
Trước đó, Tổng thống Prabowo Subianto tuyên bố rằng Indonesia không chỉ theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp gạo mà còn tự cung tự cấp tất cả các mặt hàng thực phẩm khác trong tương lai. Ngoài gạo, Indonesia đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu một số mặt hàng khác, đặc biệt là đường, tỏi, đậu tương và lúa mì. Trước đây, nước này đã từng tự cung tự cấp được gạo, đường và tỏi cho đến cuối những năm 1990.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-can-nhac-nhap-khau-lua-mi-lam-thuc-an-chan-nuoi/359442.html