Indonesia chuẩn bị gì cho mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới vào năm 2030?

Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã đặt mục tiêu đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới vào năm 2030. Ông cho biết các nền tảng để đạt được mục tiêu này đang được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Indonesia chuẩn bị gì cho mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới vào năm 2030. Trong ảnh: Cây lúa miến hay cao lương - một loại cây trồng được ưa chuộng nhằm khắc phục vấn đề khủng hoảng lương thực ở Indonesia và thế giới. (Nguồn: voi.id)

Indonesia chuẩn bị gì cho mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới vào năm 2030. Trong ảnh: Cây lúa miến hay cao lương - một loại cây trồng được ưa chuộng nhằm khắc phục vấn đề khủng hoảng lương thực ở Indonesia và thế giới. (Nguồn: voi.id)

“Các nền tảng để cạnh tranh với các nước khác phải được xác định và tạo lập sẵn sàng. Bởi vì trong tương lai sẽ không có chuyện nước lớn đánh bại nước nhỏ hay nước giàu đánh bại nước nghèo. Trận chiến sẽ là nước nhanh hơn nước chậm”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát biểu như vậy tại buổi khai mạc Đại hội toàn quốc của Hội Cựu chiến binh Indonesia tại Cung điện Bogor, Tây Java, ngày 5/8.

Ông giải thích rằng, nền tảng đầu tiên cần chuẩn bị là cơ sở hạ tầng. Trong 7 năm qua, Indonesia đã xây dựng thêm nhiều tuyến đường và nhiều công trình mới. Trong đó, có 2.042 km đường có thu phí, 5.500 đường không thu phí và đường sân bay, 15 cảng mới, 18 đập mới và 38 công trình thủy lợi mới với diện tích 1,1 triệu ha.

Lợi ích của các cơ sở hạ tầng này sẽ chỉ được cảm nhận được trong 5-10 năm tới. "Có lẽ ngay bây giờ, chúng ta chưa thể được hưởng lợi ích từ các công trình đó, thậm chí nó sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước", người đứng đầu chính phủ Indonesia nói.

Nền tảng thứ hai là phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn. Theo đó, Indonesia sẽ không xuất khẩu nguyên liệu thô nữa mà chuyển sang xuất khẩu nguyên liệu chế biến từ các sản phẩm khai thác.

Nền tảng cuối cùng là số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Tổng thống Jokowi tuyên bố, 65,4 triệu MSMEs đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lên tới 61%. Do đó, ông lạc quan rằng, các MSMEs kỹ thuật số của Xứ vạn đảo có thể thúc đẩy nền kinh tế Indonesia từ vị trí thứ 30 hiện nay lên vị trí thứ 7 trên thế giới vào năm 2030.

Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) và McKinsey tính toán rằng, chúng tôi sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2045”, ông Jokowi nói.

Trên thực tế, trước mắt, trong bối cảnh khó khăn của toàn cầu, nhiều bất ổn còn "giăng bẫy", chính phủ Indonesia vẫn cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước trên 5% cho đến quý III/2022, nhắm mục tiêu tăng trưởng 5-5,2% vào cuối năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Suahasil Nazara, để sẵn sàng đạt được các mục tiêu ngắn hạn, chính phủ nước này cũng đã chuẩn bị các cơ sở hạ tầng công nghệ khác nhau, nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ mới, hồi sinh các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và các ngành năng lượng mới.

Chính phủ Indonesia cũng đã chuẩn bị một số chính sách để khai thác các nguồn tăng trưởng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và thực phẩm.

Indonesia tiếp tục khuyến khích phát triển nền kinh tế xanh, số hóa nhằm hồi phục và phát triển nền kinh tế bền vững, phấn đấu mục tiêu xóa nghèo cùng cực vào năm 2024.

Trong đó, để vượt qua các thách thức trong ngắn hạn, việc triển khai ngay các dự án phát triển trồng lúa miến được đánh giá là một "cú quay xe" ngoạn mục của Indonesia. Dự án phát triển cây trồng thay thế lúa mì nhanh chóng được lên kế hoạch, để bù đắp những thiếu hụt bất ngờ - do lệnh cấm xuất khẩu lúa mì từ một số quốc gia. Tổng thống Jokowi đã chỉ đạo lập tức phát triển 154.000 ha lúa miến, cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024.

Indonesia là một nhà nhập khẩu lúa mì lớn. Tổng thống Jokowi đưa ra quyết định trên trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu lúa mì kéo dài do cuộc xung đột Nga-Ukraine và mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng lương thực. Đến nay đã có 9 quốc gia đóng cửa xuất khẩu lúa mì, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Afghanistan, Algeria, Serbia và Ukraine.

Theo thông tin từ Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, tính đến tháng 6/2022, diện tích trồng lúa miến đạt 4.355 ha ở 6 tỉnh, sản lượng đạt 15.243 tấn với năng suất 3,36 tấn/ha. 100.000 ha đất sẽ được dành để trồng lúa miến vào cuối năm nay. Tổng thống Joko Widodo cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng soạn thảo một lộ trình cụ thể cho đến năm 2024.

An Sinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-chuan-bi-gi-cho-muc-tieu-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-bay-the-gioi-vao-nam-2030-193358.html