Indonesia chuyển thủ đô: Siêu dự án đối mặt loạt khó khăn?

Gia tăng nghi ngờ về việc liệu Indonesia có sớm chuyển được thủ đô hành chính từ Jakarta đến Đông Kalimantan hay không.

Dự án xây dựng thủ đô mới và chuẩn bị di dời này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Indonesia phải đối mặt với các nhiệm vụ tốn kém là hỗ trợ đất nước phục hồi sau suy thoái vì đại dịch Covid-19 và giữ cho giá năng lượng ở mức hợp lý.

Loạt nhiệm vụ cần đến tiền

Dự án chuyển thủ đô của Indonesia ước tính trị giá 467 nghìn tỷ rupiah (32,5 tỷ USD). Khoảng 80% nguồn tài chính sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân và bên thứ ba.

Tuy nhiên, ông lớn đầu tư toàn cầu Softbank gần đây đã rút kế hoạch đầu tư đối với dự án này mà không chính thức tiết lộ lý do. Nhật báo Tempo đưa tin, Softbank đã liệt kê ra các điều kiện mà chính phủ Indonesia bác bỏ, trong đó có quy định về số lượng người chuyển đến thủ đô mới ở mức tối thiểu.

Ông Bima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Luật tại Jakarta đã nói với The Straits Times: "Dự án này cần nguồn vốn khổng lồ và ưu tiên của chúng tôi lúc này là các biện pháp liên quan đến đại dịch và nỗ lực giữ ổn định giá năng lượng trong nước. Vẫn còn một chặng đường dài để đi (trước khi một kế hoạch như vậy có thể thành hiện thực)."

Giá năng lượng toàn cầu tăng cao hơn đã gây căng thẳng cho ngân sách nhà nước của Indonesia khi chính phủ phải trợ cấp một phần giá năng lượng trong nước để giữ cho giá cả phù hợp với người dân.

Đạo luật về thủ đô mới, được thông qua vào tháng 1 năm 2022, đã yêu cầu chính phủ chuyển thủ đô hành chính đến Đông Kalimantan – đánh dấu nỗ lực để giảm khoảng cách về thu nhập giữa các khu vực trên toàn quốc. Hiện tại, 58% các hoạt động kinh tế của nước này tập trung ở Đảo Java đông dân cư nhất, nơi có thủ đô Jakarta.

Phối cảnh Phủ Tổng thống tương lại tại Thành phố Thủ đô Nusantara. Ảnh: AFP.

Phối cảnh Phủ Tổng thống tương lại tại Thành phố Thủ đô Nusantara. Ảnh: AFP.

Thành phố Thủ đô Nusantara, nằm trong khu vực hành chính Penajam Paser Utara, dự kiến sẽ chính thức mở cửa vào tháng 10 năm 2024, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo kết thúc. Tuy nhiên, toàn bộ các công trình trong dự án lớn này dự kiến cần tới 15 đến 20 năm để hoàn thành.

Jakarta, với dân số hơn 10 triệu người, trong nhiều thập kỷ qua đã là thủ đô hành chính, đồng thời là trung tâm tài chính và kinh doanh của Indonesia.

Dhony Rahajoe, người đứng đầu chính quyền Thành phố Thủ đô Nusantara, cho biết 60.000 công chức, quân đội và cảnh sát sẽ chuyển đến thủ đô mới. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm, quần áo và nhà ở, cũng như giáo dục, dịch vụ y tế, công viên giải trí và các cơ sở.

"Tất cả những nhu cầu này sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư gia nhập khu vực này và mở rộng kinh doanh", ông Dhony thông tin với The Straits Times.

Ông Dhony cũng lưu ý rằng cần có các cơ sở hỗ trợ hoạt động hàng ngày của chính phủ, cũng như cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà máy xử lý nước sạch. "Chúng tôi sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác (với bất kỳ nhà đầu tư nào quan tâm)", theo ông Dhony.

Chính phủ Indonesia cho biết Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vẫn quan tâm đến việc đầu tư.

Quy mô phát triển còn thấp

Trong khi đó, chuyên gia quy hoạch đô thị Yayat Supriyatna của Đại học Trisakti ở Jakarta nói với tờ The Straits Times rằng trong số những thách thức để thu hút các nhà đầu tư, thì quy mô dân số còn thấp ở thủ đô mới và các khu vực lân cận - các thành phố hiện tại Balikpapan và Samarinda, cũng là điều cần quan tâm.

Dân số khu vực này ước tính là bảy triệu người vào năm 2045, sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo 170 triệu người ở Java.

"Trong khi đó, chúng tôi lại đang xây dựng tàu cao tốc giữa Jakarta và Bandung, các dự án LRT (tuyến đường sắt tích hợp) và những dự án khác đang diễn ra ở đó. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ bị thu hút đến Java", chuyên gia Yayat nói.

Theo cây viết James Guild của tờ The Diplomat: "Sẽ là một canh bạc lớn khi chuyển thủ đô đến một khu vực vốn khó tiếp cận hơn trong bối cảnh Jakarta đã là một tâm điểm giao thương trong suốt nhiều năm qua".

Trong khi đó, Tổng thống Widodo và các thống đốc trên khắp đất nước đã tham gia lễ động thổ xây dựng thủ đô mới vào ngày 14/3.

Thống đốc Tây Java Ridwan Kamil cho biết: "Chúng ta cần suy nghĩ xem ai sẽ sống ở đây. Nếu chúng ta chỉ dựa vào công chức, đó sẽ là một nơi quá yên tĩnh. Thành phố này phải có đầy đủ cơ sở vật chất để những người không phải công chức cũng muốn sống ở đây".

Còn Thống đốc Tây Papua Dominggus Mandacan hoan nghênh vị trí của thủ đô mới, nói rằng nó sẽ giúp việc đi lại thuận tiện hơn. "Chúng tôi, ở miền đông Indonesia hiện nay, cần mất 5 giờ để bay đến Jakarta. Thủ đô mới sẽ chỉ cách chúng tôi từ 2 đến 2,5 giờ", ông nói.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/indonesia-chuyen-thu-do-sieu-du-an-doi-mat-loat-kho-khan-20220406104747181.htm