Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng 5,3-5,9% trong năm 2023
Chính phủ Indonesia cũng đề xuất một loạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác cho việc lập kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023, bao gồm lạm phát 2-4% và tỷ giá 14.300-14.800 rupiah đổi 1 USD.
Tại phiên họp toàn thể Hạ viện ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,3-5,9%, đồng thời tính đến nhiều rủi ro và tiềm năng phục hồi kinh tế quốc gia.
Phát biểu trình bày khung kinh tế vĩ mô (KEM) và các nguyên tắc chính sách tài khóa (PPKF) của kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ trưởng Indrawati cho biết những điểm chính của các chính sách tài khóa và vĩ mô trong năm tới sẽ khác với năm trước vì nhiều lý do.
Cụ thể, theo bà Indrawati, KEM và PPFK năm 2023 được chuẩn bị trên cơ sở các điều kiện đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.
Ngoài tăng trưởng kinh tế, chính phủ cũng đề xuất một loạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác được sử dụng làm giả định cơ bản cho việc lập kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023, bao gồm lạm phát 2-4%, tỷ giá 14.300-14.800 rupiah đổi 1 USD, lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm từ 7,34-9,16%.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác bao gồm giá dầu thô chuẩn Indonesia từ 80-100 USD/thùng, sản lượng khai thác dầu 619.000-680.000 thùng/ngày và khí đốt từ 1,02-1,11 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng các động lực liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ lạm phát, chi phí lãi suất và việc siết chặt chính sách tiền tệ quốc tế cần được giải quyết bằng kỷ luật tài khóa phù hợp.
Do đó, chính sách tài khóa năm 2023 được thiết kế để có thể ứng phó với các động lực của nền kinh tế và các thách thức, đồng thời hỗ trợ tối đa để đạt được các mục tiêu phát triển.
Quá trình tăng cường phục hồi kinh tế quốc gia cũng cần được duy trì nhằm củng cố nền tảng kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm cũng rất quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển trung và dài hạn nhằm đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Bộ trưởng Indrawati khẳng định chính phủ sẽ củng cố cơ cấu nền kinh tế quốc gia và tăng năng suất lao động bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế.
Song song với đó, chương trình cải cách cơ cấu kinh tế hậu đại dịch cũng sẽ được tiến hành bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính và các quy định.
Bên cạnh đó, việc tăng cường các chương trình giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội cũng rất quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản về kinh tế, trong đó có năng suất lao động thấp.
Việc tăng cường sản xuất hạ nguồn, thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số và phát triển nền kinh tế xanh được cho là những “nguồn tăng trưởng mới” trong tương lai.
Cuối cùng, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng hỗ trợ phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất sẽ giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm trong nước có giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu./.