Indonesia: Giải ngân vốn đầu tư tăng mạnh trong quý III/2023
Indonesia đã công bố tốc độ tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ trong quý III vừa qua, cho đây là 'dấu hiệu của niềm tin' vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Ngày 20/10, Chính phủ Indonesia đã công bố tốc độ tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ trong quý III vừa qua, cho đây là “dấu hiệu của niềm tin” vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia cho biết giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn từ tháng 7-9/2023 đã đạt 374.400 tỷ rupiah (23,6 tỷ USD), tăng 7% so với quý trước và 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 1-9/2023, tổng vốn đầu tư được giải ngân lên tới 1.053.100 tỷ rupiah (hơn 66,4 tỷ USD), vẫn còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu cả năm là 1.400.000 tỷ rupiah.
Bộ trưởng Bahlil cho biết, trong quý III vừa qua, giải ngân vốn đầu tư trong nước đã tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,2%.
Trong quý III/2023, Singapore (Xin-ga-po) tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Indonesia với 4,4 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (1,8 tỷ USD), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (1,7 tỷ USD), Nhật Bản (1,3 tỷ USD) và Mỹ (0,9 tỷ USD).
Hầu hết vốn FDI và vốn đầu tư trong nước tập trung vào lĩnh vực kim loại với 56.900 tỷ rupiah, tiếp theo là khai mỏ (41.900 tỷ rupiah), logistics và viễn thông (40.900 tỷ rupiah), dược phẩm (28.700 tỷ rupiah) và nhà ở (25.500 tỷ rupiah).
Tỉnh Tây Java đứng đầu về thu hút vốn đầu tư 153.200 tỷ rupiah trong thời gian từ tháng 1-9/2023, tiếp theo là Jakarta (130.300 tỷ rupiah), Đông Java (100.100 tỷ rupiah), Trung Sulawesi (83.600 tỷ rupiah) và Banten (78.600 tỷ rupiah).
Ông Bahlil cho biết nỗ lực phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn của chính phủ vẫn tiếp tục được thúc đẩy trong quý III, thể hiện qua giải ngân vốn đầu tư lên tới 114.600 tỷ rupiah, trong đó 64.700 tỷ rupiah đầu tư vào các nhà máy luyện kim, 14.900 tỷ rupiah vào các cơ sở hóa dầu, 13.700 tỷ rupiah vào lĩnh vực nông nghiệp và 3.800 tỷ rupiah vào lĩnh vực sản xuất pin ô tô điện./.