Indonesia hướng đến xuất khẩu gạo
Indonesia có thể thặng dư 12 triệu tấn gạo trong năm nay nhờ sản lượng trong nước tăng lên, mở ra cánh cửa xuất khẩu mặt hàng lương thực quan trọng này, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman.
Viễn cảnh đó sẽ tác động lớn đến cán cân cung cầu trên thị trường gạo toàn cầu vì trước đây, Indonesia thường xuyên nằm trong nhóm các nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto điều khiển máy gặt trong vụ thu hoạch lúa ở làng Randegan Wetan, tỉnhTây Java hôm 7-4. Ảnh: Antara
Trao đổi với báo chí hôm 11-4, Bộ trưởng Amran Sulaiman cho biết, kể từ đầu năm, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã mua 840.000 tấn gạo của nông dân, tăng 2.000% so với cùng kỳ năm ngoại. Lượng gạo dự trữ trong các nhà kho của Bulog đang ở mức 2,4 triệu tấn và dự kiến tăng lên 3 triệu tấn vào cuối tháng này. Đó là mức dự trữ gạo cao nhất từ trước đến nay của Indonesia.
Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy tăng sản lượng thông qua một số sáng kiến quan trọng, bao gồm tối ưu hóa đất đai, mở rộng các cánh đồng lúa mới, cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn cung phân bón. Ngoài ra, giá sàn thu mua lúa của nông dân được nâng lên 6.500 rupiah (9.960 đồng/kg), tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất lúa gạo trong nước
“Chúng ta đã có thể thấy thành quả từ những nỗ lực này. Dự trữ gạo của chúng ta đã được đảm bảo và chúng ta đã sẵn sàng để trở thành nước xuất khẩu gạo”, Bộ trưởng Amran Sulaiman nói.
Amran cho biết thêm, cơ sở hạ tầng vẫn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đường xá ở nông thôn và máy sấy, những yếu tố quan trọn ở các vùng sản xuất lúa gạo. Ông lưu ý, ngành chế biến gạo cung sẽ được mở rộng vì trước đây, nông dân chỉ trồng lúa một vụ mỗi năm thì hiện có thể canh tác tới ba vụ mỗi năm.
Trong 5 năm qua, lượng gạo thu mua từ nông dân hàng năm của Bulog trung bình khoảng 1 triệu tấn. Nhưng chỉ trong quí đầu tiên của năm 2025, Bulog đã gần hoàn thành con số đó.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu phát triển 3 triệu hecta ruộng lúa mới trong 3-4 năm tới. Ngay cả khi Indonesia chỉ đạt một nửa mục tiêu này, sản lượng lúa gạo sản xuất cũng tăng lên đáng kể, có thể dẫn đến mức thặng dư 12 triệu tấn hàng năm.
Đó là viễn cảnh lạc quan đối với một quốc gia có dân số gần 300 triệu người, thường xuyên nằm trong nhóm các nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới
Năm ngoái, Indonesia nhập khẩu 4,52 triệu tấn gạo tăng 47% so với mức 3,06 triệu tấn vào năm 2023, theo Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia (BPS). Đây là khối lượng nhập khẩu gạo cao nhất của Indonesia trong 7 năm qua.
“Điều quan trọng là giờ đây chúng ta đã có thể tự cung tự cấp, không phụ thuộc vào nguồn cung lúa gạo nước ngoài. Chúng ta có thể xuất khẩu gạo, đó là sự thật”, Bộ trưởng Amran Sulaiman nhấn mạnh.
Kể từ lúc lên nắm quyền, Tổng thống Prabowo Subianto xem tự chủ lương lực là ưu tiên hàng đầu.
Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 32 triệu tấn gạo ở trong nước để hỗ trợ chiến lược tự chủ và an ninh lương thực của Tổng thống Prabowo Subianto.
Theo dữ liệu của BPS, sản lượng gạo sản xuất trong nước trong 3 tháng đầu năm đã đạt 52% mục tiêu cả năm.
“Vị thế địa lý của Indonesia mang lại lợi thế cho sản xuất lúa gạo. Indonesia không có mùa đông và điều đó cho phép chúng ta sản xuất lúa gạo quanh năm. Thách thức hiện nay là tối đa hóa lợi thế đó”, trưởng Amran Sulaiman nói.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Prabowo Subianto bày tỏ tự tin rằng, Indonesia sẽ dừng nhập khẩu khẩu gạo trong năm 2025.
Việc Indonesia dừng nhập khẩu và hướng đến xuất khẩu gạo sẽ tạo ra vết lõm nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế, có thể gây áp lực thêm cho các nhà xuất khẩu gạo như Việt Nam. Theo BPS, trong 11 tháng đầu năm ngoái, Indonesia nhập khẩu 1,12 triệu tấn gạo từ Việt Nam.
Theo Jakarta Global, Antara News
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/indonesia-huong-den-xuat-khau-gao/