Giá vàng có thể chạm mốc 4.000 USD/ounce vào năm 2026?
Dự báo mới nhất từ Goldman Sachs đang khiến thị trường tài chính toàn cầu xôn xao: giá vàng có thể đạt 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026 – một cột mốc chưa từng có trong lịch sử.
Mới đây, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs chính thức nâng dự báo giá vàng cuối năm 2025 lên mức 3.700 USD/ounce, đồng thời cho rằng nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục bất ổn, giá vàng có thể đạt 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026.

Nguyên nhân được chỉ ra là nhu cầu mua vàng tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương, cùng dòng vốn dồn dập chảy vào các quỹ ETF vàng giữa bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Vì sao giá vàng tăng mạnh?
Goldman Sachs ước tính các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể mua trung bình 80 tấn vàng mỗi tháng trong năm nay – tăng đáng kể so với dự báo trước đó là 70 tấn. Song song đó, các quỹ ETF cũng ghi nhận lực mua vào đáng kể khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Đặc biệt, nếu Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới – điều mà Goldman Sachs đánh giá có khả năng xảy ra tới 45% – giá vàng thậm chí có thể đạt tới 3.880 USD/ounce ngay trong năm nay.
Không chỉ Goldman Sachs, nhiều tổ chức lớn cũng đưa ra dự báo lạc quan. UBS kỳ vọng vàng sẽ đạt 3.500 USD/ounce vào tháng 12/2025, trong khi Bank of America nâng mục tiêu tương tự nhờ nhu cầu mạnh từ ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư và thị trường Trung Quốc.

Goldman Sachs đánh giá, giá vàng thậm chí có thể đạt tới 3.880 USD/ounce ngay trong năm nay.
Giá vàng trong nước chạm đỉnh kỷ lục
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC sáng 14/4 đã vượt mốc 107 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từng được ghi nhận. Đây là hệ quả trực tiếp từ đà tăng của giá vàng thế giới, cộng với tâm lý tìm kiếm kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nhiều thị trường tài chính khác biến động mạnh.
Dù triển vọng vàng đang được đánh giá tích cực trong dài hạn, các chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể biến động mạnh trong ngắn hạn do thanh khoản thị trường yếu và nguồn cung khai thác tăng chậm. Một lượng lớn vàng hiện vẫn được nắm giữ bởi các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư, khiến khả năng điều chỉnh giá là điều khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư cá nhân được khuyến nghị nên thận trọng, tránh mua vào khi giá đã ở vùng quá cao, đồng thời theo dõi sát các biến động từ kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ toàn cầu để đưa ra quyết định phù hợp.