Indonesia lần đầu tiên đón Quốc khánh ở thủ đô mới Nusantara
Indonesia đang tích cực các hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 79 (17/8) lần đầu tiên được tiến hành tại thủ đô mới Nusantara (IKN), ở tỉnh Đông Kalimantan, dự kiến được tiến hành đồng thời với hoạt động truyền thống tại Jakarta.
Sự kiện lịch sử
Lễ kỷ niệm Quốc khánh Indonesia 2024 được đánh giá mang tính lịch sử khi buổi lễ lần đầu tiên được tổ chức tại hai địa điểm - Nusantara và Jakarta. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, cùng với Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto, sẽ chủ trì buổi lễ ở Nusantara, trong khi Phó Tổng thống Ma'ruf Amin sẽ chủ trì buổi lễ tại Jakarta cùng với Phó Tổng thống đắc cử Gibran Rakabuming.
Các quan chức chính phủ, lãnh đạo địa phương và Đại sứ từ nhiều quốc gia dự kiến tham dự sự kiện này. Theo các quan chức Indonesia, Lễ Quốc khánh được tổ chức tại hai thành phố khác nhau để bày tỏ lòng tôn kính đối với Jakarta, nơi là thủ đô quốc gia trong nhiều thập kỷ với những đóng góp của thành phố này cho sự phát triển và tiến bộ của Indonesia. Trong khi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh tại Nusantara sẽ đánh dấu sự kiện chào đón thủ đô mới.
Để chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này, quốc kỳ và một bản sao văn bản tuyên ngôn độc lập cuối tuần qua đã được vận chuyển từ Đài tưởng niệm Quốc gia ở Jakarta (Monas) đến Nusantara. Thông thường, tuyến đường chỉ từ Monas đến Cung điện Merdeka, nhưng lần này, lễ diễu hành được thực hiện từ Monas đến Nusantara, cách Jakarta 1200km.
Mặc dù Indonesia đã thông qua quy chế đặc biệt cho Jakarta, giữ đô thị này vẫn là trung tâm kinh tế khi chuyển thủ đô mới đến Kalimantan, nhưng hiện Jakarta vẫn sẽ là thủ đô cho đến khi Tổng thống ban sắc lệnh chuyển thủ đô mới.
Các quan chức Indonesia thông báo đã sẵn sàng đón các đại biểu đến tham dự buổi lễ quốc khánh tại Nusantara. Tuy nhiên cũng do vấn đề cơ sở vật chất và hạ tầng nên số lượng đại biểu cũng như báo chí tham dự cũng sẽ bị hạn chế. Theo kế hoạch ban đầu có khoảng 8 nghìn đại biểu tham dự buổi lễ tại Nusantara, nhưng theo số liệu mới nhất danh sách khách mời hiện chỉ còn 1.300 người.
Di sản của Tổng thống Jokowi?
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu làm việc tại dinh tổng thống ở thủ đô hành chính mới - vốn là dự án trọng điểm trong hai nhiệm kỳ của ông và một phiên họp nội các đầu tiên cũng đã diễn ra ở đây. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong thời gian qua đã nỗ lực thúc tiến độ hoàn thành càng nhiều dự án tại thủ đô mới càng tốt trước khi ông hết nhiệm vào tháng 10. Ngay trước thềm lễ Quốc khánh, Tổng thống Jokowi cùng một số nhà lãnh đạo chính phủ cũng đã khởi công một số dự án, bao gồm dinh Phó Tổng thống và một số toàn nhà tư nhân.
Tuy nhiên tiến độ xây dựng thủ đô mới được cho là đang diễn ra rất chậm chạp. Tính đến thời điểm hiện tại, trong giai đoạn xây dựng đầu tiên từ năm 2022 đến năm 2024, chính phủ đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc phát triển Cung điện Nhà nước, các tòa nhà của các bộ điều phối và nguồn cung cấp nước và điện, nhưng tổng thể tiến độ xây dựng chung của toàn thành phố chỉ đạt được khoảng 15%.
Theo các quan chức Indonesia, đây là một dự án dài hạn mà Indonesia có thể mất 15-20 năm để hoàn thành. Mặc dù dự kiến kế hoạch phát triển tổng thể thủ đô mới sẽ hoàn thành sau vài thập kỷ nữa, nhưng Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto vẫn lạc quan cho rằng Nusantara ở Đông Kalimantan sẽ hoạt động tốt nhất với tư cách là khu vực thủ đô của quốc gia sớm nhất là trong vòng 3 năm tới.
Trước đó có nhiều dự đoán cho rằng dự án này sẽ được chính thức công bố vào ngày 17 tháng 8 năm nay. Tuy nhiên sự chậm trễ trong xây dựng và khó khăn về tài chính đã khiến lịch trình có thể bị chậm lại, với việc Tổng thống Jokowi cũng để khỏ khả năng sắc lệnh này sẽ được người kế nhiệm ký sau khi lên nắm quền vào tháng 10 tới.
Cam kết của chính quyền mới
Theo kế hoạch đặt ra, Nusantara sẽ được xây dựng theo nhiều giai đoạn và hoàn thành vào năm 2045. Chính phủ đặt mục tiêu có 1,9 triệu người sinh sống tại Nusantara vào năm 2045. Tuy nhiên việc xây dựng thủ đô mới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Tổng thống Jokowi, 20% ngân sách của dự án do ngân sách nhà nước và phần còn lại do các nhà đầu tư tư nhân, cả trong nước và quốc tế tài trợ. Indonesia đang hi vọng sẽ đảm bảo được 100.000 tỷ Rp (6,13 tỷ USD) đầu tư tư nhân vào cuối năm 2024. Nhưng tính đến thời điểm này, Tổng thống Jokowi cho biết chỉ nhận được 56.200 tỷ Rp. Nhằm đảm bảo thu hút các nhà đầu tư, Tổng thống đắc cử Prabowo khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục xây dựng thủ đô mới cho đến khi tất cả các giai đoạn hoàn thành. Ông Prabowo cũng trực tiếp tham gia với tư cách là nhà đầu tư vào quá trình phát triển của dự án, đồng thời khẳng định ông có thể đáp ứng được kỳ vọng của người dân về những lợi ích của việc chuyển thủ đô quốc gia từ Jakarta đến Nusantara.
Tuyên bố của ông Prabowo nhằm trấn an và xoa dịu các nhà đầu tư nhưng giới quan sát cho biết ông Prabowo sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là liệu có nên tiếp tục dự án với tốc độ chậm chạp hay từ bỏ hoàn toàn kế hoạch di dời thủ đô vì vấn đề tài trợ. Cho đến nay, tất cả đều đến từ các nhà đầu tư trong nước và mới đây nhất có Hàn Quốc công bố sẽ tham gia vào một dự án đường thu phí dưới nước ở Nusantara, với giá trị khoảng 690 triệu USD.
Ngoài vấn đề tài chính, đất đai, tiến độ, còn nhiều các vấn đề phức tạp và nhạy cảm khác bao gồm mất cân bằng phát triển giữa các đảo xa và Java (chỉ riêng đảo này chiếm hơn một nửa dân số và GDP của Indonesia); mối quan hệ với các nước láng giềng Brunei và Malaysia cùng có chủ quyền trên đảo Borneo, nơi thủ đô mới sẽ tọa lạc; và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương…. sẽ tiếp tục là các thách thức cho chính quyền mới trong việc hiện thực hóa siêu dự án này đúng kế hoạch.