Indonesia lên kế hoạch chuyển đổi than thành khí đốt, giảm nhập khẩu khí hóa lỏng

Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tối đa hóa việc sử dụng nguồn than đá trong nước thông qua quá trình 'hạ nguồn' (chuyển đổi thành sản phẩm hoàn chỉnh) nhằm biến loại nguyên liệu này trở thành động lực cho nền kinh tế quốc gia trong tương lai.

Quang cảnh một nhà máy điện than ở Indonesia. (Nguồn: vinatom.gov.vn)

Quang cảnh một nhà máy điện than ở Indonesia. (Nguồn: vinatom.gov.vn)

Phát biểu tại Indonesia EBTKE ConEx, một sự kiện nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững tại Indonesia ngày 27/11, người phát ngôn Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, Sujatmiko cho biết chính phủ nước này đã quyết định biến than thành dimethyl ether và nguyên liệu thô cho các nhà máy hóa dầu.

Theo ông Sujatmiko, dimethyl ether có thể thay thế khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí tổng hợp và được sử dụng sản xuất methanol, phân bón...Thông qua kịch bản khí hóa than thành dimethyl ether, chính phủ đang tìm cách kéo dài thời gian sử dụng than làm năng lượng sơ cấp.

Theo tính toán của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, trong năm 2020, tài nguyên than đá của Indonesia sẽ đạt 143 tỷ tấn, trữ lượng 38,8 tỷ tấn, sản lượng giả định là 600 triệu tấn mỗi năm và trữ lượng này có thể đủ dùng trong 65 năm.

Hoạt động sản xuất và nhu cầu về than đá sẽ tiếp tục tăng trong 20 năm tới để đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia và thế giới.

Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản lưu ý rằng sản lượng than chỉ đạt 550 triệu tấn vào năm 2020, và sẽ tăng lên 633 triệu tấn vào năm 2025, sau đó tiếp tục tăng lên 684 triệu tấn vào năm 2030 và giảm nhẹ xuống 678 triệu tấn vào năm 2040.

Chính phủ Indonesia cũng dự định áp dụng mức thuế đặc biệt cho các công ty biến than thành khí thông qua Chương trình biến than thành Dimethyl Ether (DME). Chính sách này là một phần trong cam kết của chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi than.

Dự án chuyển đổi than sang DME sẽ do PT Bukit Asam, một công ty khai thác của nhà nước tại khu vực Tanjung Enim, tỉnh Nam Sumatra thực hiện. Dự án này sẽ đi vào hoạt động năm 2024 với mục tiêu sản xuất 1,4 triệu tấn DME mỗi năm.

Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir cho biết dự án khí hóa than có thể giúp cắt giảm nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG), đồng thời thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

(theo Tân Hoa xã)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-len-ke-hoach-chuyen-doi-than-thanh-khi-dot-giam-nhap-khau-khi-hoa-long-166227.html