Indonesia mở lối đi riêng trong sản xuất vaccine Covid-19

Việc Indonesia tự sản xuất thành công vaccine Covid-19 cho thấy cơ hội và thách thức đối với các nước Đông Nam Á trong việc tìm kiếm hướng đi riêng giữa các nhà sản xuất thuốc phương Tây.

Một phụ nữ được tiêm liều bổ sung vaccine Pfizer ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Một phụ nữ được tiêm liều bổ sung vaccine Pfizer ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tưởng lại quãng thời gian vài tháng trước, trong chuyến thăm của ông đến hãng dược phẩm quốc doanh Bio Farma ở Tây Java, khi các nhân viên y tế nhận được những liều vaccine IndoVac đầu tiên đã được chính quyền Hồi giáo Indonesia cấp giấy chứng nhận Halal.

Được cấp chứng nhận Halal là yêu cầu cần thiết để đảm bảo vaccine có thể được chấp nhận ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, nơi người Hồi giáo chiếm khoảng 90% trong tổng số 270 triệu người.

Trong những tháng tới, Indonesia sẽ cân nhắc việc xuất khẩu vaccine IndoVac sang những quốc gia có đông người Hồi giáo khác, cũng như các quốc gia châu Phi đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm vaccine Covid-19.

Bio Farma đã hợp tác với Đại học Y Baylor của Hoa Kỳ để phát triển IndoVac, một loại vaccine Covid-19 tái tổ hợp protein, không giống như các loại vaccine mRNA do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển. Công ty Indonesia cho biết IndoVac đã được chứng minh là hoạt động tốt hơn trong các thử nghiệm lâm sàng so với các loại vaccine tương đương, với hiệu quả trên 80%.

Việc phát triển vaccine bắt đầu vào tháng 11/2021 và chỉ mất chưa đầy một năm để nhận được sự cho phép nhanh chóng từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM). Các mũi tiêm không chứa cồn hay các chất có nguồn gốc từ lợn hoặc các thành phần khác đi ngược lại những điều cấm kỵ trong chế độ ăn uống của người Hồi giáo.

Quá trình phát triển IndoVac được thúc đẩy bởi những nỗ lực không mệt mỏi của Indonesia để đảm bảo đủ lượng vaccine Covid-19 cho người dân của mình. Việc các quốc gia giàu có đua nhau đi trước để ký hợp đồng với Moderna và Pfizer khiến các nền kinh tế mới nổi phải tự chống đỡ.

Trung Quốc và Nga đã tìm cách lấp đầy khoảng trống đó. Ngay từ sớm, Indonesia đã sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất được cấp chứng nhận Halal. Nhưng khi virus đột biến thành các biến thể mới, các ca lây nhiễm đã tăng lên. Số mắc mới dịp hè 2021 lên tới 50.000 ca mỗi ngày, khiến Indonesia trở thành tâm điểm bùng phát Covid-19 trong một thời gian.

Indonesia cũng đã phê duyệt vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Hội đồng Ulema Indonesia, cơ quan tôn giáo Hồi giáo hàng đầu của đất nước, cho biết các mũi tiêm AstraZeneca được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp mặc dù có sử dụng một chất có nguồn gốc từ thịt lợn trong sản xuất, bất chấp những lo ngại vẫn còn lan truyền trong cộng đồng Hồi giáo.

Ông Widodo cho biết, Jakarta hiện đang tập trung sản xuất IndoVac, với 40 triệu liều thuốc có thể được sản xuất trong năm tới.

Indonesia không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất theo đuổi con đường tự sản xuất các mũi vaccine Covid-19. Thái Lan đang hợp tác với trường đại học Chulalongkorn và Drew Weissman, một nhà sinh vật học tại Đại học Pennsylvania ở Hoa Kỳ để phát triển một loại vacxin theo công nghệ mRNA, ChulaCov19.

Đại học Chulalongkorn cho biết rằng trong các thử nghiệm của giai đoạn 2, ChulaCov19 đã chứng minh được hiệu quả tương tự hoặc thậm chí cao hơn vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer.

Trường đại học này có kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 3 cho ChulaCov19 sau khi nhà phát triển nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan. Một loại vaccine Covid-19 khác, nhằm phòng ngừa biến thể omicron, đang được phát triển. Chính phủ đang trợ cấp khoảng 2,3 tỷ baht (62 triệu USD) cho việc phát triển và sản xuất vaccine Covid-19.

Ngoài ra, Tổ chức Dược phẩm của Chính phủ Thái Lan đang đi tiên phong trong việc phát triển một loại vaccine Covid-19 bất hoạt, trong khi đó một công ty khởi nghiệp có liên kết với Đại học Chulalongkorn đang phát triển một loại vaccine dựa trên thực vật

Nakorn Premsri, Giám đốc Viện Vaccine Quốc gia Thái Lan, cho biết cả ba loại vaccine do chính quốc gia này dự kiến sản xuất sẽ tiếp tục được phát triển vào năm tới.

Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng để đưa một loại vaccine tự sản xuất vào sử dụng. Thái Lan có hơn 20 loại vaccine đang được phát triển trên toàn quốc, nhưng chỉ có ba trong số đó có khả năng được chấp thuận.

ChulaCov19 dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay, nhưng tiến độ này vẫn còn chậm. Ở Indonesia, việc phát triển vaccine Nusantara đã bị tạm dừng vào năm 2021.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/indonesia-mo-loi-di-rieng-trong-san-xuat-vaccine-covid-19.html