Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) ngày 17/2 do Campuchia chủ trì, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông.
Tuyên bố của bà Retno Marsudi nêu rõ việc hoàn tất các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử là quan trọng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán phải thực chất, hiệu quả và phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Ngoài nội dung trên, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các cấu trúc y tế khu vực khác nhau đã được hình thành trong 2 năm qua để sẵn sàng ứng phó phó với đại dịch trong tương lai.
Bà Retno khẳng định một trong những điều quan trọng là thiết lập kho đệm cho các thiết bị y tế, cơ chế phân phối và hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực. Tăng cường kiến trúc y tế khu vực sẽ là một khối xây dựng để củng cố kiến trúc y tế toàn cầu, là một trong những ưu tiên của năm đảm nhận Chủ tịch G20 của nước này.
Về việc tăng tốc phục hồi kinh tế khu vực, bà Retno nhấn mạnh việc thực hiện Hiệp định hành lang Du lịch ASEAN (ATCAF) còn chậm. Do đó, Indonesia khuyến khích đẩy nhanh việc thực hiện ACTAF, thông qua các hiệp định song phương hoặc mở cửa hoàn toàn biên giới với các quy trình nghiêm ngặt về y tế.
Về hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, Indonesia nhấn mạnh một số vấn đề chính. Đầu tiên, với tư cách là điều phối viên quốc gia về quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ, Indonesia đã truyền đạt việc chuẩn bị kế hoạch ASEAN - Mỹ và Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ. Cả ASEAN và Mỹ hiện vẫn đang liên lạc để xác định một lịch trình họp phù hợp.
Thứ hai, về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) năm nay, Indonesia khuyến khích động lực kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - EU nhằm tăng cường hợp tác cùng có lợi, bao gồm cả trong lĩnh vực thương mại.
Indonesia bày tỏ quan ngại về sự tồn tại của các chính sách của EU cản trở thương mại, bao gồm việc thiết lập một hệ thống thẩm định chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản liên quan đến phá rừng.