Indonesia quy định phân bổ nguồn thu từ ngành dầu khí

Các văn bản pháp luật của Indonesia quy định phân chia nguồn thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm Luật Tài chính 2004 và Quy định 104/2000 của Chính phủ.

Ngoài ra, các trường hợp ngoại lệ là hai tỉnh tự trị Papua và Aceh, bởi hai tỉnh này hưởng lợi từ các chế độ theo luật riêng.

Theo đó, nguồn thu từ thuế tài nguyên được phân bổ trên cơ sở chiết khấu. Các bên hưởng lợi là các tỉnh, các huyện tham gia khai thác và tất cả các huyện tiếp giáp với các huyện khai thác (nhằm ngăn chặn xung đột có liên quan tới khai thác và đền bù chi phí môi trường khi vận chuyển sản phẩm qua các khu vực dân cư).

Cần lưu ý rằng phần Chính phủ Indonesia thu được từ khai thác dầu khí hầu như trái ngược với phần Chính phủ thu từ ngành khai thác mỏ (cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác như thủy sản). Vì đối với ngành khai thác mỏ, phần lớn nguồn thu được giữ lại tại nguồn.

Điều này được cho là liên quan tới việc nguồn thu từ dầu khí chiếm tới 25% các nguồn thu ngân sách trong khi nguồn thu từ các nguồn khác chỉ chiếm 1%.

Indonesia là một trường hợp đáng chú ý vì nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác (EIR) được tái phân bổ gián tiếp tại cấp địa phương thông qua hệ thống chuyển khoản tài chính chung. Khoản EIR thu tại địa phương bằng hình thức chiết khấu tương đương một nửa khoản phân bổ cho tỉnh từ Quỹ Tài trợ Tổng hợp (DAU). DAU là khoản tài chính liên chính quyền, chiếm 60% nguồn thu của chính quyền địa phương và 16% nguồn thu của chính quyền các tỉnh.

Một nửa quỹ DAU cấp trung ương phân bổ cho tỉnh là hiệu số của "nhu cầu chi tiêu" được tính dựa trên công thức và "nguồn thu thu được" của tỉnh. Nhu cầu chi tiêu được xác định dựa trên các tiêu chí khách quan như dân số, diện tích, GDP tính trên đầu người. 50% còn lại của DAU được tính dựa trên tổng tiền lương của mỗi khu vực tại thời điểm lần đầu tiên thực hiện phân cấp. Khoản phân bổ từ DAU = 50% (Tổng tiền lương) + 50% (Nhu cầu chi tiêu – Nguồn thu thu được).

Do nguồn thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên được tính trong "nguồn thu thu được" của tỉnh nên công thức này có thể phải trừ đi tới 50% phần phân bổ lấy từ DAU mà tỉnh được hưởng.

Mặc dù có cơ chế duy trì công bằng nhưng Ngân hàng Thế giới vẫn kết luận rằng phân bổ EIR của Indonesia là nguyên nhân chính dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các vùng, trong đó 5 trên tổng số 33 tỉnh nhận được phần lớn khoản nguồn thu.

Trên thực tế, các tỉnh nhận khoản EIR được phân chia nhiều hơn so với khoản họ nhận được thông qua DAU. Bỏ tổng tiền lương khỏi công thức DAU có thể sẽ giúp đạt hiệu quả công bằng hơn.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/indonesia-quy-dinh-phan-bo-nguon-thu-tu-nganh-dau-khi-633688.html