Indonesia rút kinh nghiệm từ tình hình dịch bệnh tại châu Âu

Trưởng nhóm điều chỉnh hành vi cộng đồng, thuộc Lực lượng đặc trách phòng chống COVID-19 của Indonesia, ông Sonny Harry B. Harmadi, cho rằng Indonesia cần rút kinh nghiệm từ sự gia tăng ca mắc mới COVID-19 tại một số quốc gia châu Âu hiện nay nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến của lực lượng trên, ông Harmadi đưa ra 3 biện pháp để chống dịch.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các giao thức y tế. Thực tế ở các quốc gia châu Âu, khi số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống, các biện pháp an toàn y tế ngay lập tức được nới lỏng như việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, khiến cho tình hình dịch bệnh kéo dài khó lường.

Thứ hai, tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc. Tính đến ngày 17/11, Indonesia đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine cho trên 86 triệu người dân, tương đương 40% dân số nước này. Đồng thời, Indonesia đã ghi nhận hiệu quả trong việc kiểm soát đi lại và sự lây lan dịch bệnh khi triển khai sử dụng bắt buộc ứng dụng giám sát sức khỏe PeduliLindungi như một điều kiện để nhập cảnh và đi lại tại Indonesia.

Thứ ba, thắt chặt kiểm soát sự đi lại của hành khách từ nước ngoài vào Indonesia và tăng cường giám sát khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông Harmadi lưu ý AY.4.2 - biến thể phụ của Delta - được cho là nguyên nhân gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Anh, Singapore và Malaysia. Do đó, việc thắt chặt quá trình nhập cảnh vào Indonesia là điều cần thiết.

Ngày 17/11, Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy cho biết lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 sẽ được áp đặt đồng bộ trên khắp cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022. Theo Bộ trưởng Muhadjir, quyết định nâng cấp độ chống dịch nói trên đã được thông qua tại một cuộc họp điều phối cấp bộ trưởng, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba. Biện pháp này được ban hành với mục tiêu siết chặt các hoạt động đi lại của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới được dự báo sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Dự kiến, PPKM cấp độ 3 sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 tới đến ngày 2/1/2022.

Trung Quốc hỗ trợ Indonesia xây dựng trung tâm sản xuất vaccine COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia xây dựng trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian ngày 18/11 cho biết hợp tác vaccine là điểm nhấn mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Hiện có 5 công ty Trung Quốc đang làm việc tích cực với các công ty Indonesia để xây dựng chuỗi sản xuất vaccine thông qua các kênh kỹ thuật khác nhau.

Trung Quốc đã chuyển giao 41 đợt vaccine của các hãng Sinovac và Sinopharm với tổng cộng 247 triệu liều cho Indonesia. Số lượng này chiếm 80% lượng vaccine mà Indonesia nhận được.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này đang cạnh tranh với Ấn Độ và Hàn Quốc trong việc xây dựng các trung tâm, đầu mối đào tạo và chuyển giao kiến thức về vaccine COVID-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kế hoạch thành lập trung tâm vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng cho một số khu vực nhằm tạo miễn dịch cho cộng đồng thế giới. Nam Phi là quốc gia đầu tiên trở thành trung tâm vaccine của WHO cho khu vực châu Phi.

Đào Trang - Đình Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-rut-kinh-nghiem-tu-tinh-hinh-dich-benh-tai-chau-au-20211118230620728.htm