Indonesia sẽ ứng phó ra sao với nguy cơ bị kiện do lệnh cấm xuất khẩu bauxite?

Theo tờ Jakarta Post, Chính phủ Indonesia sẵn sàng đáp trả nếu bất kỳ quốc gia nào theo đuổi hành động pháp lý chống lại lệnh cấm xuất khẩu bauxite của nước này.

Khai thác bauxite ở Indonesia. Ảnh minh họa: Reuters

Khai thác bauxite ở Indonesia. Ảnh minh họa: Reuters

Tờ Jakarta Post số ra mới đây có bài viết đánh giá về việc Chính phủ Indonesia kiên quyết đưa ra lệnh cấm xuất khẩu bauxite trong tháng tới. Chính phủ Indonesia sẵn sàng đáp trả nếu bất kỳ quốc gia nào theo đuổi hành động pháp lý chống lại lệnh cấm xuất khẩu bauxite của này được thi hành vào đầu tháng Bảy tới.

Phát biểu trước giới truyền thông mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận định rằng, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu bauxite lớn nhất của Indonesia - có thể sẽ đệ đơn khiếu nại Jakarta lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lệnh cấm xuất khẩu bauxite sắp tới của nước này.

Trước đó, quan chức Bộ Thương mại Indonesia Bara Krishna Hasibuan cho biết, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy các nước sẽ kiện Indonesia lên WTO, nhưng Bộ Thương mại nước này đã sẵn sàng cho mọi tình huống và hậu quả có thể phát sinh từ lệnh cấm xuất khẩu bauxite.

Ông Bara cho biết, về nguyên tắc, lệnh cấm này dự kiến sẽ không làm gián đoạn các mối quan hệ kinh tế giữa Indonesia với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đối tác phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm khoáng sản từ “đất nước Vạn đảo”.

Tuy nhiên, nhà phân tích ngành khai thác mỏ Ahmad Zuhdi Dwi Kusuma thuộc Ngân hàng Bank Mandiri lưu ý rằng, không giống như niken, thị phần bauxite của Indonesia toàn cầu không lớn, khiến nước này dễ bị thay thế. Ông Zuhdi cho rằng, việc các đối tác tìm một thị trường khác sẽ hợp lý hơn là nộp đơn khiếu nại lên WTO phản đối Indonesia.

Một phần lớn sản lượng bauxite của Indonesia luôn được hướng tới thị trường xuất khẩu, vì nhu cầu trong nước chiếm chưa đến một nửa sản lượng toàn quốc hiện nay. Những người trong ngành đã chỉ ra rằng, công suất kết hợp của các nhà máy luyện hiện tại không tương xứng với sản lượng khai thác.

Mức khai thác bauxite hiện ở mức hơn 31 triệu tấn, trong khi công suất của 4 nhà máy tinh luyện đang hoạt động chỉ đạt 14 triệu tấn. Như vậy, lệnh cấm xuất khẩu nói trên sẽ khiến khoảng 17 triệu tấn bauxite trở nên dư thừa.

Lệnh cấm xuất khẩu bauxite của Indonesia, giống như lệnh cấm vận chuyển quặng khoáng sản khác, nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp chế biến kim loại trong nước để nước này có thể tiến lên trong chuỗi giá trị hàng hóa thay vì trở thành nước xuất khẩu nguyên liệu thô. Đối với bauxite, sản phẩm giá trị gia tăng là alumin, được sử dụng để tiếp tục chế biến thành nhôm.

Người đứng đầu ủy ban thường trực về khoáng sản và than thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), Rizqi Darsono, trao đổi với tờ Jakarta Post rằng, chính phủ nên đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra, vì bản thân chương trình nghị sự hạ nguồn là “tốt”.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia nào đó chọn đưa vấn đề này ra trước WTO, họ có thể đáp trả như áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với các sản phẩm alumin của Indonesia, khiến chúng không thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ các nước sản xuất khác.

Ông Rizqi khẳng định việc các nước theo đuổi hành động pháp lý hay không cũng không ảnh hưởng đến ngành khai thác bauxite, vì Chính phủ Indonesia sẽ vẫn kiên định theo kế hoạch phát triển này.

Ông nói thêm rằng, với bauxite, Indonesia cần phải cẩn thận hơn “bởi vì, thực tế là ngành công nghiệp này vẫn chưa sẵn sàng”. Rizqi đề xuất, Chính phủ Indonesia cần có chính sách thúc đẩy động lực cho các công ty có tiến độ xây dựng lò luyện kim vượt quá 50%.

Một cố vấn đặc biệt của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia đã tiết lộ vào tuần trước rằng có 8 công ty đang trong quá trình xây dựng các nhà máy luyện kim. Ronald Sulistyanto, quyền Trưởng Hiệp hội các công ty Bauxite và Quặng sắt (APB3I), cho biết việc xây dựng một nhà máy luyện kim không phải là điều dễ dàng.

Lệnh cấm tương tự đã từng được đưa ra vào năm 2014 và vào thời điểm Indonesia quyết định dỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 2017, chỉ có một công ty đã xây dựng một lò luyện kim. Điều đó cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư vào thời điểm đó rất khó khăn, vì khoản đầu tư cần thiết khá cao, khoảng 1,2 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Ronald giải thích, tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI) có thể mất nhiều thời gian để hiện thực hóa trong quá trình chế biến bauxite. Có thể thấy trong trường hợp nhà máy tinh chế Alumina PT Well Harvest đã hoạt động được gần một thập kỷ qua, nhưng vẫn chưa đủ ROI.

Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, nước này nắm giữ khoảng 1,2 tỷ tấn quặng nhôm, chiếm khoảng 4% trữ lượng bauxite toàn cầu./.

Đào Trang (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-se-ung-pho-ra-sao-voi-nguy-co-bi-kien-do-lenh-cam-xuat-khau-bauxite/295616.html