Indonesia thêm trên 1.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên 39.294 ca
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Indonesia công bố ngày 15/6, trong 24h giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.017 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 64 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Y tế Indonesia cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới con số lần lượt là 39.294 ca và 2.198 ca. Số người bình phục hiện là 15.123 ca.
Hiện chính giới Indonesia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch. Theo người phát ngôn lực lượng cảnh sát Vùng Đại Jakarta, ông Yusri Yunus, có 2.702 binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai tại các trung tâm mua sắm tại thủ đô Jakarta và 4 thành phố vệ tinh trong ngày 15/6 - ngày đầu các địa điểm này được mở cửa trở lại. Ông Yusri cho biết quân đội và cảnh sát không chỉ bảo vệ bên ngoài các trung tâm mua sắm mà còn được giao nhiệm vụ đảm bảo thực thi các biện pháp y tế phòng chống COVID-19 bên trong các địa điểm này.
* Tại Philippines, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 26.420 ca sau khi ngày 15/6, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 490 ca nhiễm SARS-CoV-2. Số người tử vong trong ngày là 10 người, nâng tổng số bệnh nhân không qua được tại nước này lên tới 1.098 ca.
* Cùng ngày, Malaysia thông báo có 41 ca nhiễm mới, khiến tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.494 ca. Hiện số ca tử vong vẫn duy trì ở con số 121 ca.
Từ tháng Bảy, hãng hàng không giá rẻ AirAsia Group sẽ khôi phục toàn bộ các đường bay nội địa theo hướng dẫn của chính phủ nước này về nới lỏng các biện pháp hạn chế thời kỳ dịch bệnh COVID-19. AirAsia chủ trương chuyển hướng vận tải hàng hóa trong thời gian tới như một giải pháp ứng phó với tình trạng nhu cầu đi lại sụt giảm và đường bay quốc tế chưa được khôi phục.
* Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sáng 15/6, Cơ quan Tiền tệ Singapore công bố dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 5,8% trong năm nay, đảo ngược hoàn toàn so với dự đoán tăng trưởng 0,6 % của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, những lĩnh vực chịu tác động tồi tệ nhất của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là bán buôn và bán lẻ, dịch vụ cho thuê văn phòng, dịch vụ kinh doanh ăn uống và tiêu dùng cá nhân.
Cụ thể, doanh thu của ngành dịch vụ cho thuê văn phòng và dịch vụ kinh doanh ăn uống sẽ giảm 26% trong năm nay (lớn hơn rất nhiều so với mức giảm 1,6% được dự đoán trước đó); lĩnh vực bán buôn và bán lẻ dự kiến giảm 12,8% (so với 0,7% dự kiến trước đó); lĩnh vực xây dựng giảm 11,4% (giảm mạnh so với 2,4% dự đoán trước đó); tiêu dùng cá nhân được cho là giảm 5,2% (so với 1,9% dự đoán trước đó). Xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ trong nước được dự báo sẽ không tăng trưởng trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng có chút lạc quan về các lĩnh vực khác. Lĩnh vực sản xuất được dự báo tăng trưởng 2,2% trong năm 2020, so với mức giảm 0,3% dự đoán trước đó. Lĩnh vực tài chính và bảo hiểm được cho là đạt 3,1%, so với 2,6% dự đoán trước đó.
Dịch bệnh COVID-19 là rủi ro chính dẫn đến suy giảm tăng trưởng Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore. Ngoài ra, sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những rủi ro bắt nguồn từ sự suy giảm trong thị trường lao động, trong đó có tình trạng thất nghiệp gia tăng cũng là những vấn đề gây lo ngại.
Singapore đã sẵn sàng cho sự suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử với dự báo tăng trưởng năm 2020 từ -4 đến -7%. Tăng trưởng GDP của Singapore được dự kiến sẽ phục hồi ở mức 4,8% vào năm 2021.