Indonesia: Tối ưu hóa quá trình đổi mới giáo dục
Số hóa giáo dục là một trong những bước đi quan trọng mà Indonesia triển khai nhằm hướng tới xây dựng nền kinh tế đạt trị giá 7 nghìn tỷ USD vào năm 2045.
Trong vòng 4 năm qua, quốc đảo Đông Nam Á này đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm mang lại những thay đổi mang tính đột phá cho giáo dục nhờ áp dụng công nghệ mới.
Từ cuối năm 2019, Bộ Giáo dục Indonesia đã tiến hành quá trình chuyển đổi số trong ngành thông qua chương trình "Merdeka Belajar" (tạm dịch là "Tự do học tập"). Merdeka Belajar được thiết kế sau khi chỉ số đánh giá học sinh (PISA) đứng ở mức dưới trung bình trên bảng xếp hạng toàn cầu. Một trong những mục đích của chương trình là trao cho giáo viên nhiều quyền tự chủ hơn để kiểm soát những gì diễn ra trong lớp học. Nói một cách cụ thể hơn, giáo viên có thể tự do lựa chọn bất kỳ phương pháp học tập nào mà họ cho là phù hợp nhất đối với học sinh của mình và điều này có thể mang lại nhiều cơ hội hơn cho sự đổi mới.
Để tối ưu hóa quá trình đổi mới giáo dục, Indonesia đã đưa ra nhiều biện pháp áp dụng công nghệ mới và thúc đẩy chuyển đổi số. Theo quan điểm của các nhà giáo dục, mặc dù giáo viên vẫn đóng vai trò then chốt trong quy trình đào tạo chất lượng cao nhưng cần có công nghệ để tăng cường hỗ trợ quá trình giảng dạy. Một trong những ứng dụng được đưa vào các trường học tại Indonesia trong thời kỳ đầu triển khai Merdeka Belajar là Edutech. Ứng dụng này không chỉ giúp quá trình học tập trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với học sinh học tại nhà trong thời kỳ đại dịch, mà còn có các hướng dẫn dành cho những giáo viên ít hiểu biết về công nghệ để họ có thể nhanh chóng thành thạo việc giảng dạy, ra bài kiểm tra và bài tập hằng ngày trực tuyến. Phụ huynh cũng có thể sử dụng ứng dụng này để đăng ký cho con mình vào các trường học ưa thích.
Nhiều chuyên gia giáo dục của Indonesia nhận định rằng, năng lực học tập của mỗi học sinh không giống nhau nên các giáo viên cần xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp tương ứng để học sinh có thể tiếp thu và tiến bộ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục có thể hỗ trợ giáo viên trong việc lên kế hoạch giảng dạy cũng như lộ trình học tập cho từng học sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia Ibu Suharti: "Một trong những đổi mới được đưa vào chương trình Merdeka Belajar là việc thiết lập công cụ đánh giá quốc gia bao gồm khả năng nhận thức, thông tin đầu vào và các quy trình liên quan đến học tập, chất lượng học, nhận thức của giáo viên... Thông qua đánh giá quốc gia, chúng tôi khuyến khích tập trung vào việc giúp học sinh nắm vững kiến thức chứ không phải vào các kỳ thi. Cùng với cải cách trong cách đánh giá, chúng tôi đang thay đổi chương trình giảng dạy để tập trung nhiều hơn vào chiều sâu thay vì bề rộng kiến thức".
Sau 4 năm triển khai Merdeka Belajar, đến nay, Bộ Giáo dục Indonesia đã phân phối khoảng 1,25 triệu thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông cho hơn 72.000 trường học. Ngoài các ứng dụng được thiết kế phục vụ công tác dạy và học, chính phủ cũng hỗ trợ việc vận hành tổ chức hành chính thông qua các ứng dụng như mua sắm vật tư thiết bị trường học (SIPLah), lên kế hoạch hoạt động và đăng ký ngân sách (ARKAS), hỗ trợ vận hành giáo dục (BOS)... Theo thống kê, hiện tại, hơn 230.000 trường học tại Indonesia đang sử dụng SIPLah và 217.000 trường đang triển khai ARKAS.
Ngân sách để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục của Indonesia lên tới 1,49 nghìn tỷ Rp (100 triệu USD). Trong đó, 109 tỷ Rp được sử dụng để cải tiến các nền tảng kỹ thuật số và 74 tỷ Rp dùng để thiết kế tài liệu học tập và các mô hình phương tiện giáo dục kỹ thuật số.
Ông Sachin Gopalan, đồng sáng lập Diễn đàn Kinh tế Indonesia và là chuyên gia tư vấn truyền thông kỹ thuật số, cho biết, một trong những rào cản chính mà ngành giáo dục phải đối mặt là trình độ, kỹ năng của giáo viên về công nghệ thông tin. Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện với 20.000 giáo viên để phân loại trình độ về công nghệ thông tin cho thấy, chỉ 40% giáo viên đạt cấp độ cao.
Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động và làm thay đổi mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Indonesia cần nâng cao tỷ lệ giáo viên có kiến thức công nghệ thông tin đủ để kết hợp với phương pháp sư phạm để giảng dạy trong lớp học. Do đó, việc bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho toàn bộ 3,3 triệu giáo viên đang được nước này ưu tiên nhằm đáp ứng mục tiêu số hóa trong các lĩnh vực giảng dạy.
Tuy nhiên, với đặc điểm nhân khẩu học trẻ, một xã hội kết nối và tận tâm, cùng mức phân bổ ngân sách 20% của chính phủ, Indonesia đang sở hữu nhiều lợi thế để có thể lạc quan về những triển vọng trong chiến lược chuyển đổi số ngành giáo dục.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/indonesia-toi-uu-hoa-qua-trinh-doi-moi-giao-duc-641103.html