Indonesia triệt phá đường dây đưa 122 người sang Campuchia bán thận
Giới chức Indonesia đang điều tra hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Một số cảnh sát bị cáo buộc đã giúp đỡ những kẻ buôn người đưa 122 người Indonesia đến một bệnh viện ở Campuchia để bán thận.
Ông Hengki Haryadi, Giám đốc cảnh sát Indonesia phụ trách tội phạm chung cho biết rằng chính quyền Indonesia đã bắt giữ 12 người, bao gồm một cảnh sát cấp thấp ở Bekasi và một sĩ quan nhập cư ở Bali vào ngày 19/7.
Ông cho biết tất cả 122 nạn nhân đã trở về Indonesia, và cảnh sát vẫn đang tìm kiếm một số nạn nhân khác.
“Hầu hết các nạn nhân đều mất việc làm trong đại dịch và họ đồng ý bán nội tạng vì cần tiền”, ông Haryadi nói và cho biết thêm rằng 6 trong số các nạn nhân vẫn đang được các bác sĩ theo dõi.
Ông Haryadi cho biết 9 trong số các nghi phạm từng là nạn nhân buôn bán nội tạng. Những người này bị buộc tội dụ dỗ mọi người bán thận thông qua mạng xã hội.
Nghi phạm thứ 10 là người đã đưa các nạn nhân tới Bệnh viện Preah Ket Mealea ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia để phẫu thuật ghép thận.
Ông cho biết doanh thu buôn bán trái phép nội tạng người kể từ năm 2019 có thể lên tới 24,4 tỷ rupiah (khoảng 1,6 triệu USD), trong khi mỗi nạn nhân được hứa trả 135 triệu rupiah (khoảng 10.000 USD).
Nhân viên nhập cư từ Bali bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và làm giả giấy tờ để các nạn nhân ra nước ngoài và nhận ít nhất 3 triệu rupiah cho mỗi nạn nhân.
Các nghi phạm bị buộc tội vi phạm luật buôn người của Indonesia và phải đối mặt với mức án tối đa 15 năm tù cùng khoản tiền phạt lên tới 600 triệu rupiah.
Viên cảnh sát của thành phố Bekasi bị cáo buộc đã nhận 612 triệu rupiah để giúp những kẻ buôn người di chuyển để tránh sự điều tra của cảnh sát, đồng thời cũng bị buộc tội cản trở cuộc điều tra.
Theo Luật chống buôn người năm 2007, hai sĩ quan này phải đối mặt với hình phạt lên đến 5 năm tù nếu bị kết tội.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên cấm buôn bán nội tạng vào năm 1987. WHO ước tính vào năm 2008 rằng 5% tổng số ca cấy ghép được thực hiện trên toàn thế giới là bất hợp pháp và thận là hình thức buôn bán nội tạng phổ biến nhất.
Bên cạnh nạn buôn bán trái phép nội tạng người, tội phạm mạng, nạn buôn người và lạm dụng lao động vẫn còn rất nhiều ở Đông Nam Á.
Gần đây nhất, các nhà chức trách ở Philippines đã tổ chức một cuộc truy quét lớn vào tháng trước và giải cứu hơn 2.700 công nhân đến từ nhiều nước. Những nạn nhân bị ép làm việc cho các trang web trò chơi trực tuyến lừa đảo và các nhóm tội phạm mạng khác.
Trung Kiên (theo AFP)