Indonesia – Triều Tiên 0-6: Bất ngờ và không bất ngờ

Ít ai nghĩ đến kết quả Indonesia thua đến 0-6 trước Triều Tiên ở tứ kết Cúp U.17 châu Á 2025.

Indonesia, hiện tượng ở vòng bảng khi thắng 3 trận tuyệt đối trong đó có trận đá bại Hàn Quốc để đứng đầu bảng C, trong khi Triều Tiên xếp nhì bảng D dù thắng đội dầu bảng Tajikistan đến 3-0.

Với những kết quả cùng phong độ thi đấu của hai đội, dù Triều Tiên được đánh giá cao hơn, nhưng người hâm mộ vẫn mong đợi Indonesia sẽ tiếp tục gây bất ngờ.

Nhưng bất ngờ từ Indonesia lại theo hướng tiêu cực khi họ thua trắng 0-6. Đáng nói hơn khi đây là trận thua có tỷ số cách biệt đậm nhất lịch sử Cúp U.17 châu Á kể từ năm 2002 khi giải bắt đầu xuất hiện vòng đấu loại trực tiếp từ vòng tứ kết. Kỷ lục buồn thua đậm như thế này trước đó thuộc về đội U.17 Việt Nam khi thua Iran 0-5 ở giải năm 2016.

Từ trận thua đậm bất ngờ này, giận có, chê cũng có mà cảm thông cũng có vì dù bị loại, hành trình của các tuyển thủ U.17 Indonesia cũng rất ấn tượng khi họ đoạt được vé tham dự vòng chung kết U.17 World Cup 2025 sẽ diễn ra tại Qatar vào tháng 11 tới.

Cho dù Indonesia bị đánh giá chơi dưới sức mình dẫn đến vỡ trận ở hiệp 2 khi thua thêm 4 bàn trước các tuyển thủ Triều Tiên. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận mà bao lâu nay ai cũng thấy, đó là trình độ bóng đá Đông Nam Á vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung từ Đông sang Tây của châu Á.

Triều Tiên luôn bất ngờ và bí ẩn

Có không ít câu chuyện bất ngờ cùng bí ẩn từ thể thao Triều Tiên, nhưng trong phạm vi bài viết này, do viết về trận thắng tuyệt đối 6-0 trước Indonesia để giành quyền vào bán kết Cúp U17 châu Á 2025, nên chúng tôi chỉ nói về bóng đá của Triều Tiên.

Với thế giới bóng đá, tất cả những ai quan tâm đến quả bóng tròn này có lẽ không thể quên chiến tích lịch sử của đội tuyển bóng đá Triều Tiên khi họ vào đến tứ kết World Cup 1966 và chỉ dừng bước khi thua Bồ Đào Nha 3-5 sau khi dẫn trước 3-0. Dù sự kiện chấn động này đã xảy ra từ 59 năm trước, nhưng cần nhớ vì bóng đá Triều Tiên khi đó là ẩn số, là cái gì đó rất là xa lạ với mọi người, thế mà họ lại hòa Chile 1-1 và kinh khủng hơn là thắng Ý từng hai lần vô địch thế giới với tỷ số 1-0 để đứng nhì bảng sau Liên Xô, qua đó vào tứ kết gặp Bồ Đào Nha, đội sau đó đã thắng Liên Xô 2-1 trong trận tranh hạng ba.

Còn nhiều câu chuyện bất ngờ đến bí ẩn từ thể thao Triều Tiên, nhưng với riêng bóng đá và nhất là mới đây, bóng đá nữ Triều Tiên đã lập nên chiến tích lịch sử khi vô địch U.17 và U.20 thế giới trong cùng năm 2024 và trở thành quốc gia duy nhất vô địch hai giải trẻ lứa tuổi này đến hai lần trong cùng một năm (lần đầu năm 2016). Đáng nói là Triều Tiên đã thiết lập cột mốc lịch sử này bất chấp thể thao Triều Tiên nói chung và bóng đá (nam, nữ) Triều Tiên nói riêng có hơn 3 năm “cách ly” với bóng đá quốc tế do đại dịch COVID. (*)

Trước đó, bóng đá trẻ Triều Tiên thường bị cho rằng gian lận tuổi khi các vận động viên của Triều Tiên cao to và khỏe hơn so với các cầu thủ cùng lứa tuổi. Thể thao Triều Tiên bị nghi ngờ về tuổi vì Triều Tiên từng bị loại ở giải U.16 châu Á 2008 do sử dụng cầu thủ quá tuổi. Sau đó Liên đoàn Thể dục dụng cụ Triều Tiên từng bị Liên đoàn TDDC thế giới cấm hai năm từ 5.10.2010 đến 5.10.2012 do vận động viên Hong Su-jong sử dụng ba năm sinh khác nhau (1985, 1986 và 1989) khi dự các giải quốc tế từ năm 2003.

Tuy nhiên việc gian lận tuổi trong bóng đá trẻ đối với FIFA đã được giảm tối đa khi từ U.17 World Cup 2009, FIFA đã áp dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định độ tuổi của cầu thủ, đồng thời FIFA cũng thường xuyên sử dụng công nghệ để chống gian lận. Vì vậy, những nghi ngờ về gian lận tuổi cho đến nay, đối với FIFA là không có cơ sở.

***

Nhắc chuyện của quá khứ và hiện tại, nhắc từ thành tích cho đến ưu thế về thể lực, thể hình của các cầu thủ Triều Tiên so với các cầu thủ đội khác cùng lứa tuổi - ưu thế được thể hiện rất rõ qua sự vượt trội của các cầu thủ Triều Tiên trước Indonesia về sức mạnh, tốc độ - để chúng ta hiểu rõ hơn bóng đá Triều Tiên từ nam đến nữ luôn đem lại bất ngờ đi đôi với bí ẩn.

Hai yếu tố này, liệu rằng Triều Tiên có còn thể hiện vượt trội trước đối thủ rất mạnh ở bán kết là Uzbekistan vào ngày 17.4?

(*) Ngày 16.1.2020, Triều Tiên thắng Việt Nam 1-0 trong trận đấu cuối cùng vòng bảng tại vòng chung kết U.23 châu Á 2020. Sau trận này, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến bóng đá và thể thao Triều Tiên khó khăn trong việc tham dự các giải đấu quốc tế.

Suốt hơn 3 năm sau đó, các đội bóng đá cũng như thể thao Triều Tiên liên tục rút lui khỏi các giải đấu từ châu Á đến thế giới dù các hoạt động thể thao đã trở lại bình thường trên toàn thế giới

Phải đến ASIAD 19 diễn ra ở Trung Quốc vào cuối tháng 9.2013, các đội bóng đá và thể thao Triều Tiên mới chính thức trở lại đấu trường quốc tế.

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/indonesia-trieu-tien-0-6-bat-ngo-va-khong-bat-ngo-231559.html