Indonesia trong cuộc chiến chống tham nhũng

Ngày 17/10, truyền thông Indonesia đồng loạt đưa tin Cơ quan chống tham nhũng (KPK) của nước này vừa bắt giữ hàng chục quan chức tham nhũng tại nhiều địa phương trong cả nước, tiếp nối cuộc chiến đẩy lùi tiêu cực 'chưa khi nào ngừng nghỉ'.

Ông Dzulmi Eldin (áo trắng)- Thị trưởng thành phố Medan thuộc tỉnh Bắc Sumatra bị bắt hôm 16/10.

Ông Dzulmi Eldin (áo trắng)- Thị trưởng thành phố Medan thuộc tỉnh Bắc Sumatra bị bắt hôm 16/10.

Theo đó, ngày 16/10, KPK đã thực hiện lệnh bắt giữ ông Dzulmi Eldin- Thị trưởng thành phố Medan thuộc tỉnh Bắc Sumatra, với cáo buộc nhận hối lộ. Đáng chú ý, ông Eldin là thành viên đảng Golkar thuộc liên minh cầm quyền. Trước khi ông Eldin bị còng tay, thì trong tối 15/10, có tới 6 nghi phạm “máu mặt” được cho là liên quan tới vụ án cũng bị bắt giữ trong các cuộc đột kích đồng loạt của lực lượng KPK.

Theo Febri Diansyah- Phát ngôn viên của KPK thì ông Dzulmi bị cáo buộc nhận hối lộ từ các văn phòng khác nhau của chính quyền thành phố. Các nhà điều tra đã thu giữ 200 triệu rupiah (14.100 USD) tiền mặt làm bằng chứng. Trong hồ sơ lưu trữ của KPK, tháng 3 năm nay, ông Eldin tự kê khai khối tài sản cá nhân là 20,39 tỷ rupiah (gần 1,5 triệu USD).

Đây được coi là sự “tái khởi động” cuộc chiến chống tham nhũng ở Indonesia. Liên tiếp trong 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16/10, KPK đã bắt giữ hàng chục nghi phạm tham nhũng khác ở 5 địa phương khác nhau, trong đó có người đứng đầu huyện Indramayu thuộc tỉnh Tây Java và một số quan chức tại tỉnh Đông Kalimantan và thủ đô Jakarta.

Câu chuyện chống tham nhũng ở Indonesia “bùng nổ” kể từ năm 2014 với quyết tâm chính trị của ban lãnh đạo đất nước, dù rằng Cơ quan chống tham nhũng (KPK) được thành lập trước đó 10 năm. Đầu năm 2014, câu chuyện đình đám nhất là Viện Công tố Jakarta đề nghị phạt một cựu đại biểu Quốc hội, ông Izedrik Emir Moeis, bốn năm rưỡi tù giam vì tội nhận 357.000 USD hối lộ trong vụ thắng thầu của một tập đoàn nước ngoài. Ông này bị coi là đã trực tiếp can dự bằng ý kiến “thuận” để được nhận lo lót. Để đưa được nguyên đại biểu Quốc hội này vào tù, KPK đã phải lấy lời khai của 27 nhân chứng, thậm chí phải cử điều tra viên sang Mỹ và Nhật thẩm vấn các nhân chứng liên quan chủ chốt trong vụ hối lộ.

Kể từ đó, người Indonesia hay nói đến cụm từ “Quân pháp bất vị thân”, đặc biệt khi KPK nhận được “thượng phương bảo kiếm” của Tổng thống. Kể cả vị chánh án đầy quyền lực Akil Mochtar của Tòa án Hiến pháp nhận hối lộ để thu xếp một vụ kiện bầu cử địa phương, cũng bị bắt. Sở dĩ KPK đầy sức mạnh là do được trao quyền nghe lén, cấm xuất cảnh, truy lục thông tin ngân hàng, đóng băng các tài khoản, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật hỗ trợ, bắt giam các nghi can mà không cần phải “nghe ngóng” gì.

Trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, tham nhũng ở Indonesia đã ở mức đáng lo ngại. Năm 2017 nước này xếp thứ 96/180 quốc gia theo đánh giá Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI). Báo cáo của Tổ chức Giám sát tham nhũng của Indonesia (ICW) cũng chỉ ra, nửa đầu năm 2018, có 139 vụ tham nhũng, trong đó, nhiều vụ liên quan đến các chính trị gia và nhiều quan chức các cấp của Chính phủ. Tham nhũng trong khu vực công ở Indonesia đã trở thành mối quan tâm thực sự đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc các công ty chi tiền hối lộ để xúc tiến các dịch vụ công hoặc để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình rất phổ biến. Điều này đã làm chậm sự tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài - một khu vực rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển.

21 năm trước, Hội đồng Đại diện Nhân dân (DPR, hay còn gọi là Hạ viện) đã ban hành Luật Chống tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức thực thi pháp luật vẫn chưa thực thi có hiệu quả các quy định, đạo luật về chống tham nhũng, cho đến khi KPK được nhận “thượng phương bảo kiếm”. Người đứng đầu KPK, ông Agus Raharjo, không những rất mạnh tay với quan chức tham nhũng mà còn liên tục kiến nghị Chính phủ tăng quyền cho KPK.

Đáng chú ý, không chỉ tập trung vào giới quan chức chính quyền, các chính trị gia mà KPK còn mở rộng chống tham nhũng sang khu vực tư, với quan điểm đây chính là sân sau, là nơi “cung cấp tiền” cho quan chức Chính phủ, bắt tay nhau để chia chác công quỹ. Theo Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Bambang Brodjonegoro, trong khi tham nhũng khu vực công là mối quan tâm lớn, thì thực tế khoảng 80% số vụ tham nhũng ở nước này liên quan đến tư nhân khi tìm cách “mua đứt” giới cầm quyền.

Thế Tuấn (Theo: Jakarta Globe, Reuters)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/indonesia-trong-cuoc-chien-chong-tham-nhung-tintuc450109