Indonesia ứng dụng công nghệ giao thông hiện đại tại thủ đô mới

Cục trưởng Giao thông đường bộ Indonesia Budi Setiyadi cho biết theo kế hoạch, các phương tiện di chuyển ở thủ đô mới Nusantara của nước này sẽ áp dụng công nghệ tự hành.

Một góc tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, nơi được chọn để xây dựng thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một góc tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, nơi được chọn để xây dựng thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Giao thông và Vận tải Indonesia cho biết các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường ứng dụng các công nghệ hiện đại như xe tự hành sẽ được lưu thông rộng rãi tại thủ đô Nusantara trên đảo Kalimantan.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Tuần triển lãm ôtô Jakarta khai mạc vào ngày 12/3, Cục trưởng Giao thông đường bộ Budi Setiyadi cho biết theo kế hoạch, các phương tiện di chuyển ở thủ đô mới Nusantara sẽ áp dụng công nghệ tự hành.

Theo ông Setiyadi, ý tưởng vận hành các loại phương tiện này phù hợp với chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), theo đó chỉ những mẫu xe chạy bằng điện mới được vận hành ở Nusantara nhằm bảo vệ môi trường.

Ông Setiyadi tiết lộ rằng đề xuất này vẫn đang được phối hợp với các bộ ngành quản lý cơ sở hạ tầng. Ngân sách năm nay và cả năm tới đã sẵn sàng, thậm chí chỉ thị Tổng thống cũng đã được ban hành. Các quy định về xe tự hành sẽ được thảo luận thêm để có thể triển khai thành công.

Trước đó, Tổng thống Jokowi đã ban hành một chỉ thị cấm các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong thủ đô Nusantara. Đổi lại, lựa chọn cho giao thông công cộng ở đây bao gồm tàu điện ngầm MRT, đường sắt hạng nhẹ LRT, xe điện, xe bus trung chuyển...

Một số tiện ích khác cũng sẽ được xây dựng gồm các bãi đậu xe chung ở những khu vực mật độ cao, các điểm đón/trả khách đặc biệt, hệ thống vỉa hè di động, hệ thống đi chung/chia sẻ ôtô, hệ thống đỗ xe thông minh, các trạm sạc xe điện, máy bay không người lái, xe tự động (AV).

Thủ đô Nusantara cũng sẽ triển khai các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng điện hoặc nhiên liệu hydro vận hành bằng kỹ thuật số; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng có mức tiêu hao năng lượng và khí thải CO2 thấp, các thiết bị và công cụ được sản xuất từ các sản phẩm tái chế hoặc địa phương./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/indonesia-ung-dung-cong-nghe-giao-thong-hien-dai-tai-thu-do-moi/777893.vnp