Indonesia và thành công chuyển đổi số: Bài học cho các nền kinh tế mới nổi

Với hơn 212 triệu người dùng internet, Indonesia là một trong những thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về hệ sinh thái khởi nghiệp. Số hóa và tăng cường sử dụng các dịch vụ trực tuyến đã giúp nền kinh tế Indonesia vượt qua cơn bão tài chính của đại dịch toàn cầu và bất ổn địa chính trị…

Indonesia và thành công chuyển đổi số: Bài học cho các nền kinh tế mới nổi

Indonesia và thành công chuyển đổi số: Bài học cho các nền kinh tế mới nổi

Mô hình chuyển đổi sổ của Indonesia là một trong những mô hình tiêu biểu mà nhiều quốc gia có thể học hỏi. Nhanh chóng nổi lên như một cường quốc kỹ thuật số với hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và các giải pháp công nghệ sáng tạo, Indonesia đang tận dụng công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho công dân của mình.

NỀN KINH TẾ KỸ THUẬT SỐ ĐANG BÙNG NỔ CỦA INDONESIA

Trên đà đạt 133 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nền kinh tế số của Indonesia chủ yếu được thúc đẩy bởi số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh, mức độ thâm nhập internet ngày càng tăng cùng với lực lượng dân số trẻ lớn có nhiều am hiểu công nghệ và kết nối kỹ thuật số tốt. Ngoài ra, cam kết của chính phủ trong việc xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số, sự gia tăng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp và công nghệ cũng như nguồn vốn đầu tư có sẵn dồi dào đều góp phần vào sự tăng trưởng của quốc gia này.

Indonesia hiện có hơn 2.300 công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, từ thương mại điện tử và công nghệ tài chính đến công nghệ nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cũng là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia, được biết, tổng nguồn vốn đầu tư trong quý đầu tiên của năm 2023 đạt trị giá 11,96 tỷ USD. Trong khi hầu hết mọi người chỉ biết đến các trung tâm công nghệ hàng đầu châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, Indonesia cũng đang trên hành trình trở thành thị trường công nghệ quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

HỖ TRỢ TỪ PHÍA CHÍNH PHỦ

Trước hết, Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy chương trình “Making Indonesia 4.0” với mục tiêu ứng dụng các công nghệ tiên tiến như robot, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) vào các lĩnh vực sản xuất. Chương trình cũng nhằm mục đích phát triển lực lượng lao động có năng lực để hỗ trợ chuyển đổi số của các ngành.

Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đưa ra một số khung pháp lý, chẳng hạn như luật Thông tin và Giao dịch Điện tử (UU ITE). Những quy định pháp lý này đã và đang hỗ trợ ngành Thương mại điện tử của Indonesia điều chỉnh các giao dịch trực tuyến, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng.

Ngoài ra, chương trình ươm tạo do chính phủ Indonesia hỗ trợ “Startup Studio Indonesia” đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, các công ty như Google, Alibaba và Tencent đều đang đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia.

VAI TRÒ CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Các nền tảng thương mại điện tử của quốc gia này đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán trực tuyến các sản phẩm, tăng doanh thu và tạo thêm nhiều việc làm, v.v. Các nền tảng thương mại điện tử này cũng là động lực thúc đẩy người dân sử dụng đa dạng các giải pháp thanh toán, bao gồm thanh toán di động, ví kỹ thuật số và chuyển khoản ngân hàng.

Sự tăng trưởng của mua sắm trực tuyến cũng kéo theo sự gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần và giao hàng, nhằm giúp các doanh nghiệp giao hàng dễ dàng hơn và khách hàng cũng nhận hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nhìn chung, Thương mại điện tử là động lực để các thành phần kinh tế tại Indonesia tăng cường tinh thần kinh doanh, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI

Theo đánh giá của Tech Collective, Indonesia có thể phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ không chỉ dựa trên các sáng kiến và hỗ trợ của chính phủ; mà hơn hết được thúc đẩy bởi các công ty khởi nghiệp sáng tạo phá vỡ các ngành công nghiệp truyền thống bằng ứng dụng công nghệ. Một ví dụ cây nhà lá vườn của Indonesia là Gojek, dịch vụ gọi xe và giao hàng đang thay đổi cách người Indonesia di chuyển và tiếp cận các dịch vụ hàng ngày từ giao đồ ăn, hàng tạp hóa đến sử dụng dịch vụ làm đẹp…

Một người chơi lớn khác là nền tảng thương mại điện tử Bukalapak. Nền tảng này hiện cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia bán các sản phẩm trực tuyến bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để kết nối người mua với người bán.

Hay một ví dụ là nền tảng đặt chỗ du lịch, Traveloka, đang cho phép người dùng đặt chuyến bay, khách sạn và các dịch vụ liên quan đến du lịch khác, đồng thời sử dụng công nghệ máy học để cá nhân hóa các đề xuất du lịch và cung cấp cho người dùng trải nghiệm tốt nhất có thể.

Ruangguru, một nền tảng edtech dạy kèm trực tuyến, cung cấp tài liệu luyện thi và các sản phẩm giáo dục khác, đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh giá trình độ thành thạo của học sinh và đưa ra các đề xuất học tập được cá nhân hóa.

Bốn công ty này chỉ là một vài công ty đang có những đổi mới nổi bật, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người Indonesia. Khi hệ sinh thái công nghệ Indonesia tiếp tục phát triển, thậm chí nhiều công ty khởi nghiệp sẽ xuất hiện và vượt qua ranh giới của những gì có thể với công nghệ.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/indonesia-va-thanh-cong-chuyen-doi-so-bai-hoc-cho-cac-nen-kinh-te-moi-noi.htm