Intel bất an vì Apple phát triển chip hiệu năng cao, tiết kiệm điện cho MacBook, có thể chiếm thị trường Windows
Một năm trước, Apple tuyên bố thách thức những con chip hiệu suất tốt nhất của Intel bằng chip M1 tự phát triển dùng cho MacBook hạng nhẹ.
Đầu tuần qua, Apple đã tung ra MacBook Pro được trang bị chip M1 Pro và M1 Max – dấu hiệu cho thấy hãng này muốn kiểm soát chặt chẽ hơn sản phẩm của mình. Đây là tin xấu cho Intel vốn đã hợp tác với Apple suốt 15 năm. Họ sẽ mất doanh thu, danh tiếng lẫn đơn hàng.
Nhà phân tích Pierre Ferragu thuộc công ty nghiên cứu New Street nói: “Intel đã đánh mất máy Mac và khó có khả năng lấy lại trong thời gian ngắn”.
Mọi chuyện không xảy ra trong một sớm một chiều, Intel từng rơi vào khó khăn do không nâng cấp được năng lực sản xuất. Sau nhiều năm dẫn đầu ở thị trường công nghệ cho cá nhân, Intel vài năm gần đây thất bại khi khai thác thị trường thiết bị di động, quá trình phát triển bộ xử lý cho máy tính bàn bị trì hoãn. Tân Giám đốc điều hành Intel - Pat Gelsinger đã khởi động kế hoạch khôi phục nhưng cần thời gian xoay chuyển tình hình.
Chip mới từ Apple
Những rắc rối mà Intel gặp phải thúc đẩy Apple tự phát triển công nghệ chip dùng cho máy tính, sau dòng chip A cho iPhone cùng iPad.
M1 Pro và M1 Max thể hiện rõ sức mạnh ngày càng tăng của Apple với tư cách nhà sản xuất chip. Cả hai đều được thiết kế cho dòng MacBook Pro 14 inch và 16 inch hướng đến người dùng có nhu cầu máy tính cao (dựng phim, lập trình,…). Mỗi con chip sở hữu 8 lõi hiệu suất cao cùng 2 lõi tiết kiệm điện đủ sức phục vụ công việc nặng nhọc, đi kèm khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ cùng RAM tăng lên (16GB với M1 Pro, 64GB cho M1 Max).
Kích thước thu nhỏ cho phép các nhà sản xuất tăng số bóng bán dẫn – bộ phận quan trọng trong mạch điện tử của chip. Với 34 tỉ bóng bán dẫn ở M1 Pro và 57 tỷ bóng ở M1 Max, Apple có thể thêm nhiều module chip đặc biệt cho xử lý đồ họa, video, trí tuệ nhân tạo (AI), giao tiếp, bảo mật.
Chip M1 có 57 tỷ bóng bán dẫn, 4 phía có 4 module bộ nhớ - Ảnh: CNET
Intel gặp rắc rối
Nửa thập kỷ qua, Intel dần suy yếu vì nỗ lực nâng cấp công nghệ sản xuất kéo dài hơn thời gian thông thường (2 năm). Vấn đề xuất hiện khi hãng cố chuyển từ quy trình sản xuất chip 14 nanomet sang 10 nanomet.
TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đơn vị gia công chip cho Apple) tận dụng ngay thời cơ Intel tụt lại phía sau. Apple, Nvidia, AMD,… cũng được hưởng lợi.
Kết quả là M1 Pro và M1 Max ra đời. Theo cách đo lường từ Apple, 2 chip hãng này tự phát triển nhanh hơn chip Tiger Lake 8 lõi của Intel 1,7 lần nhưng tiêu thụ điện năng ít hơn 70% ở cùng mức hiệu suất.
Nhà phân tích Patrick Moorhead thuộc công ty tư vấn Moor Insights and Strategy rất ấn tượng với M1 Pro và M1. Ông ước tính dù phải chi nhiều tiền cho thiết kế chip, nhưng Apple tiết kiệm được vài trăm USD mỗi chiếc máy tính nhờ không phải mua chip từ Intel.
Intel vẫn còn đó
Intel không thiệt hại quá nặng khi mất đi mối làm ăn Apple mà vẫn còn nhiều hoạt động kinh doanh. Phần lớn máy tính chạy Windows đều dùng chip Intel hoặc AMD. Người dùng hiếm khi chuyển từ Windows sang MacOS hoặc ngược lại.
Intel hiện cũng không bị cạnh tranh quá gay gắt: Apple không cấp phép sử dụng chip tự sản xuất cho đơn vị khác; nỗ lực bán chip cho các nhà sản xuất máy tính của Qualcomm chỉ thu được thành công hạn chế. Intel chỉ cần lo lắng về AMD – hãng chip có năng lực nhưng thị phần nắm giữ được còn thấp.
Ngoài ra, Intel còn chip Alder Lake chuẩn bị ra mắt cuối năm nay và Meteor Lake ra mắt năm 2023. Dự kiến 2 chip sẽ tích hợp lõi tiết kiệm điện vào lõi hiệu suất cao giống M1, dùng quy trình sản xuất Intel 7 và Intel 4 mới.
Alder Lake và Meteor Lake có thể giúp Intel thu hẹp khoảng cách với Apple. Tuy nhiên, Apple cũng có thể dựa vào dòng chip M “đánh chiếm” thị trường Windows vốn nằm trong tay Intel lâu nay.