Intel chậm chân hơn AMD, đã đến lúc Apple chào tạm biệt
Intel thừa nhận rằng khó bắt kịp AMD vào thời điểm hiện tại, phải đến ít nhất là 2021 hãng mới có thể khai thác tiến trình 7nm. Đã đến lúc Apple tạm biệt Intel!
AMD đã dùng tiến trình 7nm để sản xuất dòng Ryzen 3000 series vừa mới lên kệ.
Sau khi vi xử lý 10nm bị chậm trễ, đến lượt vi xử lý 7nm của Intel cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính CEO Intel đã thừa nhận chip 7nm của hãng sẽ chưa thể sẵn sàng cho đến năm 2021 và đây có thể xem như một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho Apple. Khi Intel đang gặp khó, AMD đã chớp thời cơ rất nhanh và đang đạt được thành công trên các thị trường máy tính để bàn, thiết bị di động và máy chủ với cả CPU và GPU, tạo ra áp lực rất lớn cho Intel – công ty từng là “gã khổng lồ” về lĩnh vực vi xử lý.
Tại hội nghị Brainstorm Tech của Fortune ở Aspen, Colorado, Bob Swan- Giám đốc điều hành Intel chia sẻ mục tiêu đạt được mật độ bán dẫn cao hơn 2,7x trên các vi xử lý 10nm so với thế hệ 14nm hiện tại là quá tham vọng. Swan nói: "Ở một thời điểm khi mọi thứ đang dần trở nên khó khăn hơn thì chúng tôi đã đặt ra một mục tiêu táo bạo và nó đã khiến chúng tôi mất nhiều thời gian hơn... Chính vì điều này mà Intel đã chậm chuyển sang tiến trình 14nm và hiện tại vẫn mắc kẹt ở tiến trình này sau nhiều năm. Định luật Moore được đặt tên theo nhà đồng sáng lập, cựu CEO của Intel - Gordon Moore và định luật này cho rằng mật độ bán dẫn trên vi xử lý sẽ có thể được tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm."
Bob Swan- Giám đốc điều hành Intel chia sẻ.
Đây cũng là nguyên lý định hướng chiến lược phát triển vi xử lý của Intel và nhiều người tin vào định luật Moore dựa trên những gì đã thấy về sự cải tiến của công nghệ bán dẫn trong quá khứ. Intel đã hoãn tiến trình 10nm quá lâu so với lịch trình, kéo dài vòng đời của tiến trình 14nm và chuyển sang mô hình PAO (Tiến trình - Kiến trúc - Tối ưu) nhằm hợp lý hóa sự chậm trễ này. Swan nói rằng Intel đã mắc sai lầm chiến lược khi chỉ ưu tiên cải tiến hiệu năng vào một thời điểm mà khả năng dự đoán là điều cần thiết hơn. Tỷ lệ 2,7x trên 10nm về mật độ bán dẫn quá tham vọng và phức tạp nhưng Swan cho biết Intel đã rút ra bài học lớn, 10nm năm nay, 7nm năm 2021 tức 2 năm nữa và Intel hy vọng sẽ có thể trở lại với tỉ lệ 2x của định luật Moore một lần nữa.
Trong khi đó, AMD đã dùng tiến trình 7nm để sản xuất dòng Ryzen 3000 series vừa mới lên kệ. AMD cũng đang “hủy diệt” Intel ở thị trường vi xử lý cao cấp dành cho máy tính để bàn. Đây là một thị trường nhỏ nhưng rất quan trọng bởi nó gắn liền với thế giới của game thủ - nơi đòi hỏi năng lượng và hiệu suất. Nên nhớ, kiến trúc nhỏ làm cho vi xử lý tiết kiệm năng lượng và chạy mát hơn so với các chip tương tự được xây dựng bằng kiến trúc lớn hơn. Vì vậy, chip AMD có vẻ là những gì Apple đang cần cho dòng máy tính di động và máy tính để bàn.
Hiện Apple đang có kế hoạch chuyển sang sử dụng chip tự sản xuất, nhưng vào lúc này, Apple cần vi xử lý (khoảng 5 triệu hoặc hơn cho mỗi quý), mà AMD có thể cung cấp những thứ họ cần. Intel đã hụt hơi, AMD đã bứt phá đúng thời điểm!