Internet - công cụ hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số Việt Nam
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn sau 20 năm mở cửa đón Internet. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giờ là lúc đưa những dấu chân số Việt Nam đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.
Việt Nam phải chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn
Sáng 16/12, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức lễ khai mạc ngày Internet Việt Nam (Internet day 2020). Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm về lĩnh vực Internet.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Internet đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.
Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây, công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng. Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn lên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa.
Để làm được điều đó, Bộ TT&TT sẽ thực hiện một số định hướng lớn, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
Một định hướng quan trọng khác là phát triển hạ tầng số quốc gia để đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang không gian địa chỉ IPv6 và đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển (Hub Internet) của khu vực.
Bộ TT&TT cũng sẽ phát triển hệ sinh thái các nền tảng số, mở rộng không gian mạng quốc gia và phạm vi hoạt động của các nền tảng số Make in Viet Nam. Ngoài ra, đảm bảo an toàn thông tin, làm chủ hạ tầng số, không gian mạng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia cũng là những nhiệm vụ được ưu tiên, chú trọng.
Bên cạnh việc nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm của Internet Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giờ là lúc thể hiện khát vọng đưa những dấu chân số Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.
Việt Nam lọt Top 20 quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet một cách thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.
Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, Internet đã trở thành một dịch vụ thiết yếu đối với tất cả mọi người. Người Việt Nam có rất nhiều triển vọng trên môi trường Internet.
Với xu hướng Internet đã trở thành hệ sinh thái cho chuyển đổi số, do vậy, Internet day 2020 được tổ chức với chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam.".
Thế giới đánh giá gì về chuyển đổi số Việt Nam?
Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), trong nửa cuối năm 2020, đã có nhiều báo cáo chi tiết của các tổ chức quốc tế về xã hội số, chính phủ số, kinh tế số.
Báo cáo EGDI của Liên hợp quốc cho thấy, về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam hiện xếp thứ 86, tăng 2 bậc và có điểm số cao hơn mức trung bình của Châu Á và Thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Với chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam tăng 3 bậc và xếp hạng 117. Ở chỉ số dịch vụ trực tuyến, Việt Nam bị tụt 22 bậc trên bảng xếp hạng.
Giải thích về kết quả này, ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, số liệu của Liên hợp quốc hiện chỉ mới cập nhật tới tháng 9/2019. Do vậy, những nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay hiện vẫn chưa được ghi nhận và phải chờ đến lần đánh giá sau.
Chia sẻ thêm thông tin về sự phát triển của kinh tế số Việt Nam, đại diện Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước tính khoảng 126 tỷ USD, trong đó bao gồm cả đóng góp các doanh nghiệp FDI.
Tỷ trọng xuất khẩu CNTT&TT hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia. Xuất khẩu ICT Việt Nam hiện chiếm 3% tỷ trọng xuất khẩu ICT toàn cầu. Đây là những điểm sáng trong lĩnh vực ICT của Việt Nam.
Theo báo cáo e-Conomy của Google, đại dịch Covid-19 đã trở thành tác nhân thúc đẩy sự tăng vọt số người dùng mới các dịch vụ số tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Số lượng người dùng mới các dịch vụ số của Việt Nam trong năm qua đã tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực.
Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD, tiếp đó là truyền thông trực tuyến (3,3 tỷ USD), vận tải và thực phẩm (1,6 tỷ USD).