IQ trẻ em sụt giảm vì giãn cách xã hội
Telegraph đưa tin nghiên cứu mới của Đức cho thấy ảnh hưởng của đại dịch có thể khiến trẻ em phát triển dưới tiêu chuẩn thông thường.
Nghiên cứu từ Đại học Trier (Đức) lần đầu tiên chỉ ra mức độ thông minh của trẻ em giảm xuống khi trường học đóng cửa trong đại dịch.
Qua so sánh kết quả các bài kiểm tra IQ năm 2020 với bài kiểm tra của năm 2002 và 2012 của khoảng 400 trẻ em từ các trường ngữ pháp tiếng Đức trong độ tuổi từ 13 đến 15, các nhà khoa học nhận ra điểm số IQ năm 2020 giảm đáng kể so với năm 2002 và 2012.
Cụ thể, chỉ số IQ trung bình của trẻ em vào năm 2002 là 112, trong khi đó, chỉ số này vào năm 2020 chỉ còn 105.
"Việc thiếu sự giảng dạy trực tiếp trong các lớp học trong thời gian phong tỏa không chỉ ảnh hưởng đến việc học của trẻ mà còn tác động đến cả kết quả kiểm tra trí thông minh của chúng", trưởng nhóm nghiên cứu Moritz Breit nói với báo Frankfurter Allgemeine.
Tuy nhiên, nghiên cứu lại không chứng minh được mối liên hệ trực tiếp giữa việc phong tỏa xã hội và sự suy giảm trí thông minh của học sinh.
Nhà nghiên cứu giải thích các yếu tố do đại dịch gây ra như căng thẳng, lo lắng hay phong tỏa xã hội có thể khiến trẻ em thực hiện bài kiểm tra IQ dưới tiêu chuẩn thông thường của chúng.
Tuy nhiên, trên thực tế, điểm số này vẫn không cải thiện một năm sau đó, khi dịch bệnh dần trở nên ổn định. Các nhà khoa học đánh giá đây là một điều đáng lo ngại.
Kết quả nghiên cứu đã phá vỡ hiệu ứng Flynn được tin tưởng nhiều năm qua. Hiệu ứng Flynn đã chứng minh rằng chỉ số IQ được cải thiện từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể do các yếu tố như tiêu chuẩn dinh dưỡng và giáo dục tốt hơn.
Những năm gần đây, hiệu ứng Flynn dần ít rõ ràng hơn, thậm chí còn đảo ngược ở một số quốc gia. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về sự sụt giảm chỉ số IQ trên trẻ em không thể đại diện và giải thích cho xu hướng chung.
Theo đó, các nhà khoa học cho rằng sự sụt giảm này không phải minh chứng cho xu hướng chỉ số IQ sẽ giảm trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu có thể phần nào chứng minh rằng việc đi học đều đặn có thể tác động đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc học từ xa ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến xã hội thay vì chỉ ảnh hưởng tới các gia đình thuộc tầng lớp lao động như một số nghiên cứu trước đây đã đưa ra.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/iq-tre-em-sut-giam-vi-gian-cach-xa-hoi-post1411682.html