Iran bắt đầu chiến dịch tranh cử vào Quốc hội
Quá trình vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội Iran đã chính thức bắt đầu hôm 22.2. Các ứng cử viên sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ 4 năm tại cơ quan lập pháp trong cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 tới.
Hội đồng Tư vấn Hồi giáo (Majlis) là cơ quan lập pháp quốc gia của Iran hiện có 290 ghế, tăng từ 272 ghế trước đó kể từ cuộc bầu cử ngày 18.2.2000.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết 15.200 ứng cử viên sẽ tham gia tranh cử vào cơ quan này. Đây là con số cao kỷ lục và gấp đôi số ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử năm 2020, thời điểm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ hơn 42%, mức thấp nhất kể từ năm 1979. Số ứng cử viên nữ là 1.713 người, nhiều hơn gấp đôi so với 819 người tham gia tranh cử vào năm 2020.
Cơ quan giám sát bầu cử của Hội đồng Giám hộ đã gửi danh sách ứng cử viên đủ điều kiện đến Bộ Nội vụ, cơ quan phụ trách tổ chức cuộc bầu cử. Các ứng cử viên tham gia tranh cử đều phải được Hội đồng Giám hộ, một cơ quan gồm 12 giáo sĩ, chấp thuận.
Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 1.3 và Quốc hội khóa mới sẽ triệu tập vào cuối tháng 5 tới.
Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Mohammad Bagher Qalibaf sẽ tranh cử từ quê nhà, một khu vực bầu cử ở phía đông bắc xa xôi, sau khi giành được một ghế ở thủ đô Tehran trong cuộc tổng tuyển cử 4 năm trước. Thành viên Quốc hội đương nhiệm, Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ tái tranh cử từ một khu vực bầu cử xa xôi ở tỉnh Nam Khorasan.
Cũng trong ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra cuộc bầu cử Hội đồng Chuyên gia gồm 88 thành viên, là các giáo sĩ, có nhiệm vụ cố vấn cho Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề của Iran. Nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng Chuyên gia là 8 năm.
Theo hiến pháp Iran, Quốc hội giám sát Lãnh đạo tối cao của đất nước và chọn người kế nhiệm ông. Lãnh đạo tối cao của Iran hiện nay là ông Ayatollah Ali Khamenei, người sẽ tròn 85 tuổi vào tháng 4, ông đã nắm quyền 34 năm qua.