Iran bắt đầu tổng tuyển cử giữa 'lùm xùm' lệnh trừng phạt của Mỹ
Ngày 21/2, người dân Iran đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử nhằm chọn ra các nghị sĩ cho Quốc hội nhiệm kỳ mới gồm 290 ghế.
Ước tính có khoảng 58 triệu cử tri Iran đủ tư cách bỏ phiếu nhằm chọn ra 290 nghị sĩ Quốc hội nhiệm kỳ mới. (Nguồn: Reuters)
Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin các điểm bỏ phiếu đã mở cửa vào lúc 4h30 phút giờ GMT (tức 11h30 giờ Việt Nam). Cuộc bỏ phiếu sẽ kéo dài trong 10 giờ. Ước tính có khoảng 58 triệu cử tri Iran đủ tư cách bỏ phiếu.
Trước đó, ngày 20/2, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamemei kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh đây là một “nghĩa vụ tôn giáo”. Cuộc bầu cử là nhằm bầu ra 290 nghị sĩ Quốc hội và được dự đoán sẽ không có ảnh hưởng tới các vấn đề đối ngoại hay chính sách hạt nhân của Iran.
Cùng ngày, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 5 quan chức Iran phụ trách thẩm tra tư cách các ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử, trong đó hàng nghìn ứng cử viên đã bị cấm tham gia tranh cử.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong số các quan chức Iran bị trừng phạt lần này có Ahmad Jannati, giáo sĩ đầy quyền lực 92 tuổi - người giám sát việc loại gần 800 ứng cử viên tiềm năng, trong đó có hàng chục nghị sĩ đương nhiệm. Ngoài công việc giám sát bầu cử trong Hội đồng Giám hộ, ông Jannati còn đóng vai trò chủ chốt trong cơ quan có quyền lựa chọn lãnh đạo tối cao của Iran này.
Lệnh trừng phạt yêu cầu đóng băng tất cả tài sản của những quan chức này tại Mỹ và cấm người Mỹ làm ăn với họ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, chính quyền nước này sẽ không dung thứ cho các hành vi thao túng bầu cử.
Liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ, Hội đồng Giám hộ Iran ngày 21/2 đã lên án động thái này thể hiện sự xem thường dân chủ của Washington. Viết trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Hội đồng Giám hộ Iran Abbas Ali Kadkhodaee - 1 trong 5 quan chức trong "danh sách đen" của Mỹ - nêu rõ, "các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp" cho thấy Mỹ "chẳng hề dân chủ" và "chúng tôi càng quyết tâm bảo vệ lá phiếu của người dân".
Cuộc tổng tuyển cử ngày 21/2 được xem là một phép thử quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại thời điểm quan hệ với Mỹ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.