Iran cảnh báo sẽ xem xét lại các cam kết với IAEA
Ngày 1/12, Iran cảnh báo có thể xem xét một cách nghiêm túc những cam kết của quốc gia này với cơ quan giám sát nguyên tử Liên hợp quốc nếu các đối tác châu Âu trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 kích hoạt một cơ chế có thể dẫn tới những biện pháp trừng phạt Tehran.
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm kiềm chế chương trình hạt nhan của Iran, đổi lại các đối tác dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi hồi tháng 5/2018 Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran để buộc các bên trở lại đàm phán sửa đổi thỏa thuận. Ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức đã nỗ lực cứu vãn thỏa thuận nhưng các nỗ lực cho tới nay vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Từ tháng 5 vừa qua, một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran đã bắt đầu điều chỉnh các cam kết.
Hôm 7/11, trong bước đi thứ tư nhằm cắt giảm cam kết theo thỏa thuận, Iran nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow, miền Nam nước này khi bắt đầu bơm khí urani vào các lò ly tâm. Quốc gia này cũng đã bắt đầu làm giàu urani tại nhà máy Natanz ở miền Trung. Tehran nhấn mạnh rằng các biện pháp mà nước này thực hiện có thể nhanh chóng được đảo ngược nếu các bên còn lại của thỏa thuận tìm ra cách giúp Iran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trước các động thái của Iran, các đối tác châu Âu cảnh báo sẽ cân nhắc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo JCPOA nếu Iran tiếp tục điều chỉnh các cam kết. Cơ chế này bao gồm nhiều giai đoạn và có thể mất vài tháng để được kích hoạt.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tehran hôm 1/12, Chủ tịch Quốc hội Iraq Ali Larijani khẳng định nếu các nước châu Âu kích hoạt cơ chế gây tranh cãi, Iran sẽ buộc phải xem xét lại một số cam kết với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ông Larijani cũng đề xuất thế bế tắc hiện tại có thể sẽ được "tháo gỡ" nếu Mỹ nhìn lại những bài học quá khứ, đề cập tới lá thư của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong đó đề nghị Iran đàm phán.