Iran cung cấp UAV sát thủ cho Armenia, cục diện Karabakh sẽ thay đổi mạnh?
Việc Iran xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) sang Armenia có thể tác động lên tiến trình hòa bình ở khu vực Karabakh, nơi Azerbaijan tuyên bố chủ quyền. Ngoài UAV, Iran có nhiều động thái khác tăng cường sức mạnh quân sự cho Armenia.
Cuộc chiến ngôn từ gần đây giữa Azerbaijan và Armenia cùng các diễn biến trong vài tuần qua cho thấy cả hai bên còn lâu mới tiến tới ký kết một thỏa thuận hòa bình vốn được hứa hẹn trước đó.
Vào tháng 10/2022, cả hai quốc gia Nam Kavkaz này đã hứa hẹn tăng cường nỗ lực hướng tới một hiệp ước hòa bình bên lề thượng đỉnh Praha. Nhưng kể từ đó, hai bên gần như không đạt thêm bước tiến nào.
Mặc dù Nga duy trì vai trò “trung gian hòa giải chính” trong vấn đề Karabakh, hiện nay Azerbaijan đã công khai bày tỏ sự không hài lòng của mình đối với vai trò của Moscow trong tiến trình hòa bình, đặc biệt sau hội nghị mang tính biểu tượng đơn thuần ở Sochi vào ngày 3/10.
Tuy nhiên, Nga chỉ là một trong nhóm các nước trong khu vực có liên quan đến đàm phán hòa bình phức tạp giữa Armenia và Azerbaijan.
Trong bối cảnh ấy, Iran - một cường quốc khu vực, đã có những động thái đáng lưu ý liên quan đến Armenia giữa lúc quan hệ Iran - Azerbaijan xấu đi.
“An ninh của Armenia cũng là an ninh của Iran”
Giới chức Iran đã tuyên bố rằng sau Cuộc chiến Karabakh lần 2, sự hiện diện của NATO, EU và Israel ở Nam Kavkaz đã gia tăng, đặc biệt là thông qua Azerbaijan. Họ cũng công khai tuyên bố rằng mình sẽ không để thực tế này tiếp diễn.
Căng thẳng ngoại giao giữa Baku và Tehran đã leo thang đột ngột sau khi Iran tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn dọc theo biên giới với Azerbaijan, nhằm phản ứng lại việc Azerbaijan cố gắng thiết lập một hành lang trung chuyển Zangezur đi qua lãnh thổ tách rời Nakhchivan (thuộc Azerbaijan) thông qua tỉnh Syunik của Armenia để nối với Thổ Nhĩ Kỳ. Iran cũng giận dữ trước quan hệ sâu sắc của Azerbaijan với Israel trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Tập trận của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở khu vực biên giới nói trên bao gồm tập dượt nhảy dù, tấn công đêm, tác chiến trực thăng, vận hành UAV cảm tử… Nội dung tập trận còn gồm cả xây cầu tạm bắc qua sông Aras chia tách Iran với Azerbaijan và Armenia, chiếm và kiểm soát các tuyến đường tiếp tế chính và các điểm cao quan trọng…
Sau cuộc tập trận của Vệ binh Cách mạng Iran, vào ngày 20/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdullahian đã thăm Armenia với tư cách trưởng phái đoán Iran. Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Abdullahian tham dự lễ khai trương lãnh sự quán Kapan. Tại đây, ông tuyên bố “an ninh của Armenia là an ninh của chúng tôi”. Một vài tuần sau đó, cựu Đại sứ Iran ở Azerbaijan, Mohsin Pakain, nói rằng các cuộc tập trận này nhằm bảo vệ Armenia trước Azerbaijan.
Nhưng nỗ lực của Iran nhằm buộc Azerbaijan từ bỏ hành lang Zangezur và ngừng quan hệ đối tác với Israel dường như lại phản tác dụng, vì Azerbaijan lại càng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa họ với Israel bằng việc công bố mở một đại sứ quán ở Israel.
Tính toán của Iran và việc tăng cường sức mạnh cho Armenia
Iran đang thực hiện một số biện pháp tác động vào Armenia trong bối cảnh nước này có khả năng ký một hòa ước với Azerbaijan. Nếu kịch bản hòa ước xảy ra, ảnh hưởng của Iran trong vùng có thể suy giảm nghiêm trọng, đồng thời ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được mở rộng lớn hơn. Nếu căng thẳng ở vùng Karabakh còn duy trì, Azerbaijan sẽ gặp khó trong các hành động địa chính trị.
Mặc dù hiện không có nhiều thông tin công khai về gói vũ khí mà Iran có thể cung cấp cho Armenia, nhiều khả năng Iran sẽ cung cấp cho Armenia các UAV “lảng vảng” cảm tử Shaheed-136. Truyền thông gần đây đưa tin, Iran có thể cung cấp cho Armenia các loại UAV chiến đấu và UAV “lảng vảng” do Iran chế tạo. Nếu được cung cấp các UAV này, lực lượng quân sự Armenia sẽ có khả năng tạo ra răn đe lên các nước đối thủ, nhất là Azerbaijan.
Trong các tuần gần đây, Nga đã và đang sử dụng các UAV như thế (chính xác là các UAV cải tiến từ phiên bản Iran) để tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine cũng như hạ tầng điện lực tại nước này. Ngoài ra, Armenia có lẽ đã có dịp quan sát năng lực UAV của Iran trong một cuộc tập trận UAV chung giữa Nga, Belarus, Armenia và Iran vào tháng 8/2022, tổ chức ở Căn cứ không quân Kashan.
Đề xuất của Iran viện trợ quân sự cho Armenia đã được củng cố thêm sau khi Iran khánh thành một lãnh sự quán mới ở Kapan, thủ phủ tỉnh Syunik, Armenia. Thủ phủ này nằm gần lãnh thổ tách rời Nakhchivan của Azerbaijan.
Cựu tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran Yahia Rahim Safavi, đồng thời là cựu trợ lý của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei vào ngày 18/10 tuyên bố rằng tổng cộng 22 nước, bao gồm Armenia, Algeria và Nga, đã chính thức xin được mua UAV do Iran chế tạo. Theo viên tướng này, hơn 10 quốc gia đã tiếp cận Iran để mua sắm các UAV chiến đấu trong riêng năm nay (2022).
Trên thực tế, Iran đang tìm cách mở rộng việc bán vũ khí thông qua khu vực lục địa Á-Âu và đã tìm cách bước chân vào thị trường quốc phòng của Armenia, tạo dựng hình ảnh là bên răn đe tiềm năng trước mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.
Ngoài ra, báo chí Azerbaijan đưa tin, Iran đã cung cấp 500 quả tên lửa Dehlavieh và 100 quả tên lửa Almas cho Armenia.
Đồng thời, Iran được cho là duy trì sự ủng hộ cho các công dân Azerbaijan thân Iran. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hồi tháng 4/2022 đã yêu cầu dẫn độ 22 công dân Azerbaijan hoạt động ở Iran chống lại Azerbajan. Cho tới nay, Iran vẫn chưa dẫn độ sang Azerbaijan bất cứ ai trong nhóm người này./.